John Broadus Watson (1878 – 1958) được coi là cha đẻ của ngành Tâm lý học hành vi (Behaviorism). Ông đạt được những thành tựu nghiên cứu to lớn nhưng đồng thời cũng nhận nhiều chỉ trích.
Năm 1908, Watson trở thành Giáo sư tâm lý học tại Đại học Hopes và nhanh chóng làm Trưởng Khoa Tâm lý học. Năm 1913, Watson thành lập Tâm lý học hành vi, ngành này đã trở thành một nhánh tâm lý học có ảnh hưởng lớn vào thời điểm đó.
Nhiều người hẳn đã nghe câu nói nổi tiếng của ông: “Hãy cho tôi một chục đứa trẻ khỏe mạnh. Tôi có thể huấn luyện chúng trở thành bất kỳ loại nhân vật nào: Bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, doanh nhân, giáo sư, thậm chí là một người ăn xin hay một tên cướp”.
Đúng vậy, Watson chắc chắn là nhà tâm lý học có niềm tin nhất vào triết lý giáo dục của mình trong lịch sử, nhưng những đứa con của ông lại phải chịu cuộc đời bi thảm vì sự “ngạo mạn” của cha mình.
Trái ngược với câu nói gây chấn động thế giới của ông bố nổi tiếng, 3 người con của ông không hề trở thành “người thành đạt” trong mắt thế giới như ông tuyên bố mà ngược lại, họ đều mắc chứng trầm cảm.
Người con trai cả tự tử ở tuổi 30. Mặc dù khi còn sống cũng là một nhà nghiên cứu tâm lý học nhưng cậu đã thoát khỏi chủ nghĩa hành vi của cha mình và chọn trở thành một nhà phân tâm học. Gặp rắc rối vì trầm cảm, cậu đã chọn cách kết thúc cuộc đời.
Con gái thứ hai và cậu con trai út của ông cũng bị trầm cảm. Cô con gái đã tự tử nhiều lần nhưng không thành, cậu con trai thứ sống lang thang do trí tuệ cảm xúc thấp và phải nhờ đến sự giúp đỡ của Watson để tồn tại. Triết lý giáo dục của Watson phải chăng là một “thảm họa” lớn?
Thiếu tình yêu là tai họa cho con người
Lý thuyết của Watson cho rằng đứa trẻ là một tờ giấy trắng, người chăm sóc có thể viết nội dung vào tờ giấy này dựa trên mong đợi của chính mình. Và, “nhu cầu tình yêu của những đứa trẻ chính là thực phẩm, cứ cung cấp đủ đồ ăn cho chúng là được”.
Bên cạnh đó, ông cũng khuyên các bà mẹ không nên quá gần gũi với con bởi sự thân mật quá mức ấy sẽ cản trở sự phát triển của trẻ, khiến đứa trẻ sống phụ thuộc vào mẹ mà không thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Như vậy thì không thể thành người tài được.
Watson sử dụng phương pháp duy vật cơ học để giáo dục trẻ, loại bỏ các yếu tố tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Theo ông, điều này có thể nhanh chóng hình thành khuôn mẫu hành vi của trẻ, rèn luyện trẻ trở thành một “người lớn” đáp ứng được kỳ vọng của nhà giáo dục.
Giáo dục trẻ thông qua mô hình khen thưởng và trừng phạt là mô hình phổ biến được áp dụng trong triết lý giáo dục phổ biến một thời là mẹ hổ, cha sói. Khái niệm giáo dục về chủ nghĩa hành vi cũng rất phổ biến ở phương Tây và Watson đã trở thành một diễn giả rất nổi tiếng.
Năm 1959, do nghi ngờ về lý thuyết của Watson, nhà tâm lý học người Mỹ Harlow đã tiến hành một thí nghiệm khỉ rhesus – loài khỉ thông minh có bộ gen khá giống với con người.
Ông đã tàn nhẫn tách những chú khỉ con ra khỏi mẹ của chúng ngay từ ngày đầu tiên mới chào đời và cung cấp cho chúng hai bà mẹ. Một là mẹ dây với chiếc bình treo trên người, còn lại là mẹ vải mềm không có thức ăn.
Theo phỏng đoán của Watson “có sữa tức là có mẹ”, khỉ con nên thích mẹ dây có chiếc bình hơn là mẹ vải. Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm lại hoàn toàn ngược lại. Ngoại trừ việc ở bên mẹ dây trong giờ ăn, những lúc khác khỉ con còn “theo sát” mẹ vải và âu yếm mẹ rất lâu.
Trong một nghiên cứu khác, Harlow đã tước bỏ những khỉ con khỏi mẹ vải của chúng. Trong môi trường thí nghiệm chỉ có những con khỉ mẹ dây cung cấp thức ăn. Đáng tiếc là khi những khỉ con này lớn lên và quay trở lại đàn, chúng đều có triệu chứng trầm cảm, trong khi những con khỉ nhỏ có mẹ bằng vải lại cư xử tương đối bình thường trong thời thơ ấu.
Thí nghiệm trên khỉ rhesus của Harlow cho thấy trong giáo dục, ngoài cơ chế tăng cường khen thưởng và trừng phạt, tình yêu thương cũng là yếu tố quan trọng để nuôi dạy một đứa trẻ khỏe mạnh.
Nguồn gốc nguyên thủy nhất của cảm giác yêu thương là sự đụng chạm nhẹ nhàng trong vòng tay của người chăm sóc. Nhà tâm lý học lâm sàng Jonis Weber tin rằng việc bỏ bê cảm xúc thời thơ ấu (CEN) có thể tác động tiêu cực mạnh mẽ đến việc hình thành nhân cách của trẻ.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ cực đoan thường bị bỏ rơi về mặt cảm xúc một cách nghiêm trọng. Phụ huynh kiểu này có xu hướng tin rằng thế giới xoay quanh họ, cũng như Watson tin rằng ông có thể nuôi dạy bất kỳ đứa trẻ nào theo mong đợi.
Ông liên tục yêu cầu các con của mình phải như những gì mình kỳ vọng, nhưng không thể dành cho chúng đủ tình yêu thương. Ông giống như người mẹ dây trong thí nghiệm của Harlow, chỉ có thể cung cấp thức ăn chứ không thể mang đến tình yêu dịu dàng.
Mọi đứa trẻ đều cần sự “giúp đỡ” từ cha mẹ. Khi trẻ đang tìm kiếm sự kết nối với thế giới, một cái ôm nhẹ nhàng hoặc một sự đáp lại nhẹ nhàng có nghĩa là trẻ đã được thế giới chú ý.
Hãy cứ yêu con cái vô tư đi, đừng lúc nào cũng sống theo mong đợi của riêng mình.