*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Dương Hải Châu, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Tôi năm nay 71 tuổi, có 2 người con trai và hiện đang sống cùng gia đình con trưởng ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. 2 năm trước, chồng tôi đột ngột qua đời do bạo bệnh. Cũng từ đây, những ngày tháng êm đềm của tôi nhanh chóng chấm dứt.
Tuổi xế chiều “vội” trao hết tài sản cho con
Vốn là người thích cảnh gia đình sum vầy nên sau khi chồng mất, tôi ở một mình được 2 tháng thì nảy ra ý định muốn sống cùng các con để bớt cô đơn. Cứ thế, tôi đưa sổ sách nhà đất ra tính toán xem phân chia tài sản như thế nào cho phù hợp. Một mặt, tôi muốn thu xếp ổn thỏa mọi thứ để các con yên tâm công việc. Mặt khác, tôi biết bản thân mình cũng không còn nhiều thời gian nên mong sớm “ổn định” cuộc sống để có thể an hưởng phần đời còn lại bên con cháu.
Khi nghe tin tôi muốn sang tên hết tài sản cho 2 quý tử, bạn bè ai nấy đều cho rằng tôi “quá vội”, khuyên tôi chỉ nên lập di chúc thay vì trao hết của cải như thế. Tuy nhiên, tính tôi nói một là một, nói hai là hai. Bản thân tôi cho rằng việc này sớm hay muộn đều phải thực hiện, vậy nên làm sớm cũng tốt.
Tính toán xong, tôi liền gọi các con đến nói chuyện. Với con trai lớn, tôi sang tên ngôi nhà đang ở với hy vọng con có thể lo việc thờ cúng tổ tiên và chăm sóc tôi khi về già. Với con trai út, tôi trao cho con miếng đất nhỏ ở bên cạnh cùng khoản tiền tiết kiệm 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) của mình.
Cứ ngỡ khi mọi chuyện được sắp xếp ổn thỏa, cuộc sống tuổi xế chiều của tôi sẽ vô lo vô nghĩ, được nhờ cậy các con. Thế nhưng những chuyện xảy ra sau đó khiến tôi vô cùng buồn lòng.
Nhận về bài học đắng lòng
Sau khi gia đình con trai lớn chuyển về sống cùng, thời gian đầu mọi chuyện đều suôn sẻ nên tôi rất vui. Quả thật, trong nhà có thêm tiếng nói cười vẫn hơn cảnh một mình hiu quạnh. Tuy nhiên đến tháng thứ 2, con dâu tôi thấy tôi không làm gì cũng buồn chân tay nên nhờ giúp việc này việc kia, tôi cũng rất sẵn lòng. Dần dần tôi thành người chăm lo cho gia đình con trai từ nấu ăn đến lau dọn. Thậm chí, đến chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng là tôi bỏ tiền ra.
Thương con là thế nhưng những gì tôi nhận được lại là sự thờ ơ, hờ hững. Càng ở lâu với gia đình con trai lớn, tôi càng cảm thấy mình là người thừa. Khi ốm đau, tôi cũng phải tự lo, con cái chỉ hỏi thăm qua loa vài câu rồi đi mất. Thậm chí đến sinh nhật đứa cháu trai được tổ chức ở nhà hàng, tôi cũng chẳng được mời đến tham dự.
Nửa năm sau đó, tôi nhớ con trai út nên đã dọn sang nhà các con ở một thời gian. Tuy nhiên, cuộc sống của tôi khi ở đây cũng chẳng khá hơn là bao.
Ban đầu, các con tưởng tôi chỉ qua ở 1 thời gian thì rất niềm nở, lo cho tôi chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ. Tuy nhiên, khi nghe tôi đề xuất muốn ở lại lâu hơn thì các con bỗng khó chịu ra mặt. Trong một lần vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa con trai út với vợ, tôi mới vỡ lẽ ra nguyên do.
Hóa ra, con dâu út cho cho rằng gia đình anh trai vốn là con trưởng lại nhận được tài sản giá trị hơn thì phải có trách nghiệm chăm sóc tôi. Tuy nhiên, giờ gánh nặng này bỗng lại đổ lên vai khiến cả hai cảm thấy mình thua thiệt. Hiểu ra vấn đề, tôi lại tạm biệt gia đình con trai út và quay lại ở với gia đình con trai lớn. Sống trong cảnh con cái thờ ơ, ở lại cũng chẳng ổn, rời đi cũng chẳng xong, tôi hối hận vì đã không chịu nghe theo lời khuyên của bạn bè.
Đến bây giờ, tôi mới nhận ra sai lầm của mình. Về già, dù có nhiều tài sản đến đâu, cũng không nên giao tài sản của mình cho con cái quá sớm. Bởi làm như vậy chẳng khác nào chủ động cho con cái mình một cuộc sống dễ dàng và tự đặt mình vào thế bị động. Bên cạnh đó, việc giao tài sản lại cho con cái quá sớm cũng có thể là nguồn cơn khiến không ít trường hợp tình anh em trong nhà tan nát vì tranh giành tài sản.
Quả thực, dù thương con cái đến đâu thì ở những năm tháng xế chiều, người già chúng ta cần phải học cách để cho bản thân một đường lui. Trong đó, tài sản chính là một thứ pháp khí giúp an hưởng tuổi già vô cùng hiệu quả. Chỉ khi chúng ta tự chủ được tài chính thì mới không cần phải sống phụ thuộc quá nhiều vào con cháu và hạn chế được nhiều rủi ro có thể sẽ xảy ra. Hơn nữa, người già càng có nhiều tài sản thì con cháu càng kính nể và làm chủ được cuộc sống của mình.
Trong cuộc sống này, dựa núi núi sẽ đổ, dựa người người sẽ chạy. Chỉ có dựa vào bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất.
(Theo Toutiao)