Trên mạng xã hội Trung Quốc từng rộ lên thông tin một nam sinh lớp 5 đưa mảnh giấy có nội dung quấy rối tình dục cho một bạn nữ cùng lớp. Sau khi bị giáo viên phát hiện, cô giáo đã có hình phạt dành cho em học sinh này. Đáng nói, mẹ của cậu bé không những không chịu thừa nhận sai lầm của con mình mà còn gây ra cuộc cãi vã giữa phụ huynh và nhà trường.
Trong nền giáo dục của nhiều quốc gia châu Á, giáo dục giới tính vốn không có chỗ đứng quan trọng. Việc thảo luận chủ đề này một cách cởi mở luôn là điều đáng xấu hổ. Ngoài nhu cầu sinh sản, các hành vi tình dục khác luôn vô cùng “bẩn thỉu” trong mắt mọi người.
Nhưng giáo dục giới tính không chỉ đơn thuần là quan hệ tình dục mà nó còn bao gồm thái độ đối với tình dục, những kiến thức cơ bản về tình dục (cấu trúc cơ thể, các loại bệnh tật, phương pháp tự bảo vệ, v.v.)…
Học sinh nhiều nơi thường được tiếp xúc với kiến thức về cấu trúc cơ thể con người trong sách giáo khoa sinh học, nhưng thậm chí khi nói đến vấn đề “nhạy cảm” một số giáo viên có thể cảm thấy xấu hổ và nói qua loa. Trên thực tế, giáo dục giới tính cần được hướng dẫn đúng đắn từ mẫu giáo, vào tiểu học đã muộn.
Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc) từng xuất bản sách giáo khoa giáo dục giới tính, ủng hộ bình đẳng nam nữ và nói với trẻ em về những nguy hiểm khác nhau mà chúng có thể gặp phải. Đó đáng lẽ ra là quan điểm cực kỳ tích cực nhưng các bậc phụ huynh lại phàn nàn rằng sách giáo khoa có nội dung quá người lớn. Cuối cùng, nhà xuất bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gỡ sách khỏi kệ.
Không còn sách giáo khoa giáo dục giới tính nghiêm túc nữa, trẻ nên học về giới tính như thế nào? Ngoài việc lén nhìn vào thế giới người lớn trong những bộ phim lãng mạn và tiểu thuyết khiêu dâm đầy rẫy trên Internet, còn ai có thể giải thích những bối rối và thỏa mãn trí tò mò của những đứa trẻ? Những kiến thức về giới tính học theo cách này cũng phiến diện và lệch lạc.
Theo các vụ tấn công tình dục được báo cáo trong những năm gần đây, độ tuổi trẻ em bị xâm phạm đang có xu hướng trẻ hơn. Chúng ta nghĩ giáo dục giới tính là quá sớm, nhưng tội phạm tình dục không nghĩ con bạn còn quá nhỏ. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ vị thành niên đều do người quen thực hiện. Điều cấm kỵ của cha mẹ về giáo dục giới tính lại tạo cơ hội cho người xấu.
“Con à, lớn lên con sẽ hiểu” là câu nói vô trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Có rất nhiều cha mẹ thường dè dặt và né tránh trong vấn đề giáo dục giới tính cho con, đó là một sai lầm nghiêm trọng.
Việc giáo dục giới tính cho con từ nhỏ sẽ giúp trẻ nhận thức rõ và đưa ra những quyết định tốt hơn nhờ sự hướng dẫn chi tiết từ cha mẹ. Hãy giúp con có đầy đủ kiến thức về giới tính để con có thể tự tin làm chủ được bản thân, làm chủ được cuộc đời mình.
Nếu bạn thực sự muốn bảo vệ con mình, hãy dạy con sớm về giáo dục giới tính
Nhiều cha mẹ bỏ bê việc giáo dục giới tính cho con, đến khi phát hiện ra con yêu đương hay có hành vi “người lớn”, lúc đó mới cuống cuồng ngăn cấm, đe dọa. Tuy nhiên, nếu cứ giáo dục giới tính cho trẻ bằng bạo lực, cấm đoán thì phản ứng của người lớn càng dữ dội, trẻ càng dễ gặp rủi ro. Cách duy nhất và hiệu quả nhất chính là xóa bỏ định kiến, tâm lý ngại ngùng để đồng hành cùng con. Bởi vì ngày nay, khi thông tin Internet phát triển và đủ loại nội dung “người lớn” tràn lan, việc cha mẹ muốn tạo ra một môi trường “vô trùng” cho trẻ em là điều vô nghĩa.
Các tổ chức nghiên cứu của Mỹ đã đưa ra số liệu thống kê: Nếu không cung cấp kiến thức giáo dục giới tính trước, 500.000 trẻ ở Mỹ mỗi năm sẽ có nguy cơ bị xâm hại trước khi đến tuổi trưởng thành, độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi. Năm 2017, khoảng 15 triệu bé gái vị thành niên từ 15 đến 19 tuổi trên toàn thế giới bị tấn công tình dục và chỉ 1% trong số những nạn nhân này cho biết họ đã tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia.
Trong bộ phim truyền hình ngắn Ấn Độ “Trò chuyện về giáo dục giới tính của Cha và Con”, ông bố Anand không chọn cách trốn tránh sự tò mò của con trai Pappu về “tình dục” mà trả lời theo cách đứa trẻ có thể chấp nhận.
Ví dụ, nói với Pappu “thủ dâm là gì” bằng truyện tranh; sử dụng những ẩn dụ mà trẻ có thể hiểu được để kể cho đứa trẻ biết con đã hình thành như thế nào; nói với con một cách nghiêm túc về cách sử dụng bao cao su thay vì chỉ sử dụng “Kẹo”. Đối với Anand, giáo dục giới tính không hề được quan tâm khi anh còn nhỏ nhưng anh không muốn điều này xảy ra với con mình.
Nếu nhà trường vẫn không quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho trẻ và cha mẹ vẫn dùng câu “lớn lên con sẽ hiểu” để thoái thác trách nhiệm thì nguy cơ rất dễ xảy ra.
Quá nhiều cha mẹ coi con cái như một cỗ máy học tập, như thể nhiệm vụ duy nhất của chúng trước tuổi trưởng thành là thành tích và điểm số. Nhưng nhiệm vụ thực sự của một đứa trẻ là lớn lên! Trưởng thành không chỉ về tri thức mà còn là trưởng thành về nhân cách, tâm sinh lý. Và trong hành trình đó, sự đồng hành của cha mẹ, sự cởi mở và thay đổi về quan điểm giáo dục giới tính cho con đóng vai trò không thể thiếu.