Viêm phổi dai dẳng, tái diễn ở trẻ có thể gây tử vong hoặc biến chứng nặng nề liên quan đến thở máy, nhiễm trùng bệnh viện, suy dinh dưỡng, thiếu máu… khiến chi phí điều trị cao, làm tăng gánh nặng y tế, thời gian điều trị kéo dài, bệnh nặng sẽ gây stress cho gia đình bệnh nhân.
Tìm nguyên nhân và điều trị cho những bệnh nhân này luôn là thách thức. Chính vì vậy, việc phòng ngừa viêm phổi và viêm phổi dai dẳng, tái diễn là vô cùng quan trọng.
Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ em và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), viêm phổi là một nguyên nhân quan trọng gây bệnh tật và tử vong ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển. Một tỉ lệ cao trẻ mắc viêm phổi sẽ tiến triển thành viêm phổi kéo dài, tái diễn, đặt ra những thách thức đáng kể cho các bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia hô hấp.
Viêm phổi dai dẳng, tái diễn
Viêm phổi là tình trạng viêm của nhu mô phổi. Viêm phổi dai dẳng là tình trạng viêm phổi với các triệu chứng lâm sàng và tổn thương viêm phổi trên X-quang, kéo dài từ 30 ngày trở lên, mặc dù đã được điều trị liệu trình kháng sinh tối thiểu 10 ngày.
Viêm phổi tái diễn là trẻ có từ 2 đợt viêm phổi trở lên trong một năm, hoặc từ 3 đợt viêm phổi trở lên tại bất kì thời điểm nào; không còn các triệu chứng lâm sàng và tổn thương viêm phổi trên X-quang giữa các đợt viêm phổi.
Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây viêm phổi dai dẳng, tái diễn
Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi, trong đó có thể là do vi khuẩn, virus, nấm… Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhất định trẻ mắc viêm phổi kéo dài không xác định được nguyên nhân. Đối với viêm phổi tái phát có nhiều nguyên nhân như suyễn bội nhiễm, dị vật đường thở, tắc nghẽn đường thở do u, hẹp phế quản, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh… nhất là khi môi trường sinh sống bị ô nhiễm.
Yếu tố nguy cơ thường gặp là ở trẻ dưới 1 tuổi, đã bị viêm phổi 2 lần phải nhập viện, nghĩa là trẻ đang thuộc nhóm sức đề kháng không ổn. Thường trẻ em dưới 6 tháng rất ít bị bệnh vặt, do trẻ vẫn còn lượng kháng thể từ mẹ truyền sang, sau 6 tháng trẻ mới dễ mắc bệnh hơn.
Sống trong môi trường ẩm thấp cũng là nguyên nhân khiến trẻ nhiễm virus hợp bào, làm suy giảm sức đề kháng, rất dễ bị viêm phổi. Nếu trẻ thường xuyên nhập viện do viêm phổi thì trường hợp này có khả năng trẻ bị cơ địa dị ứng, bệnh sẽ càng trở nặng hơn khi thời tiết chuyển mùa.
5 bước để phòng ngừa viêm phổi dai dẳng, tái diễn ở trẻ
Như vậy, chúng ta phải chú trọng phòng bệnh viêm phổi, cũng như viêm phổi dai dẳng, tái diễn cho trẻ.
– Cần có môi trường sạch sẽ, nơi ở của trẻ cần tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, nhiệt độ phòng của trẻ không nên để quá lạnh, quá nóng hoặc quá ẩm thấp. Nên cải thiện các yếu tố về môi trường trong nhà như giữ nhà cửa sạch sẽ, không để bị ô nhiễm khói thuốc lá, bụi nhà, lông chó mèo…
– Cần cho trẻ bú sữa mẹ, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng, tiêm ngừa theo theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
– Chú ý đến nhiệt độ phòng, mùa lạnh phải đủ ấm, mùa hè phải mát. Khi thời tiết chuyển mùa, nếu trời lạnh cần giữ ấm cho trẻ, nếu trời nóng thì dùng quạt máy hoặc máy lạnh.
– Cần chú ý đến quạt máy, nên để tốc độ nhỏ, xoay các hướng, không để quạt gió trực tiếp vào vùng mũi miệng của trẻ, vì điều này sẽ làm đường thở bị khô. Máy lạnh nên để nhiệt độ trên 26 độ C và không cho trẻ nằm nơi hơi lạnh tỏa ra trực tiếp.
– Cần điều trị các bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ. Do thói quen của nhiều cha mẹ thường tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc giảm ho một cách tự tiện cho con uống. Việc không có quá nhiều hiểu biết và tự mua các loại thuốc như thế về cho trẻ dùng sẽ dẫn đến tình trạng giảm sức đề kháng và làm tăng thêm khả năng tái phát căn bệnh viêm phổi ở trẻ. Vì thế, biện pháp tốt nhất là các bậc phụ huynh nên đưa con tới sở y tế gần nhất, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp thì cần được điều trị sớm, đúng thời gian, nhằm tránh biến chứng viêm phổi nguy hiểm.
Mời độc giả xem thêm video:
Nhiều Trẻ Nhập Viện Bạch Mai Do Viêm Phổi M.pneumoniae, Bác Sĩ Khuyến Cáo Gì? I SKĐS