Cách đây hơn 10 năm, tôi từng sống trong một căn hộ chung cư mini ngoài Hà Nội. Nằm trong một con ngõ dài nhưng hẹp chỉ có thể đủ cho một chiếc xe máy đi qua, căn chung cư đó thực chất là một căn nhà 7 tầng kiên cố, được xây dựng với mỗi tầng là một căn hộ cho thuê.
Sát vách là một cầu thang duy nhất để di chuyển giữa các tầng. Ở bên trong mỗi căn hộ có hai phòng, cửa sổ và ban công đều được gia cố bằng những khung sắt được hàn chặt. Không một lối đi thoát hiểm. Thậm chí, vì địa thế nằm trong ngõ, vậy nên khoảng cách giữa hai căn nhà cũng chỉ cách nhau hơn một sải tay. Nếu có một vụ cháy xảy ra, tôi thật tình cũng không biết khoảng cách đấy có vừa cho một chiếc thang cứu hộ?
Tôi đã sống ở căn nhà đó hơn 3 năm mà chưa một lần nghĩ đến việc nó có thể trở thành một bó đuốc sống không một lối thoát. Chỉ cho đến khi nhìn thấy hình ảnh và những đoạn clip từ vụ cháy ở Khương Đình, tôi mới nhận ra rằng chính mình cũng từng ở trong một căn nhà như vậy, với một địa thế tương tự. Tôi tin rằng, cũng có nhiều người – hoặc giật mình vì nhận ra mình từng, hoặc bàng hoàng vì mình vẫn đang – sống trong một căn chung cư mini nằm sâu trong ngõ nhỏ, cửa sổ được hàn khung sắt và chỉ có duy nhất một cầu thang làm lối ra.
Ở khắp các đô thị trên đất nước, có không biết bao nhiêu căn chung cư mini như thế nằm sâu trong các con ngõ hẹp, ẩn mình giữa các khu dân cư đông đúc. Chung cư mini là lời giải cho bài toán kinh tế và chỗ ở của các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, các gia đình trẻ, sinh viên, người lao động…
Họ cần một nơi để về với mức giá hợp lý để có thể trụ lại ở thành phố. Nếu đưa những tiêu chí tìm thuê nhà của người có thu nhập thấp – áp vào một tháp nhu cầu, thì chắc hẳn nhu cầu về sự an toàn trong phòng cháy chữa cháy hẳn sẽ được xếp đâu đó trên đỉnh – tức là thứ cuối cùng họ nghĩ đến, hoặc là có nghĩ đến nhưng không coi nó là điều kiện tiên quyết, thiết yếu để lựa chọn một căn nhà.
Khi túi tiền không cho phép đưa ra những lựa chọn, thì việc lo lắng về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra – là một hành động thừa thãi và xa xôi. Người ta thường không bao giờ nghĩ đến tai ương, chỉ cho đến khi nó đột ngột gõ cửa, lấy đi tất cả và để lại sự kinh hoàng.
Đêm 13/09, tôi bật dậy lúc 4h sáng cho hai con mèo của mình ăn. Trước khi đi ngủ lại, tôi lên Facebook và đọc được tin về vụ cháy. Khi ấy, vẫn chưa có những con số thống kê, người đăng về vụ cháy đó vẫn nghĩ rằng chỉ là một đám cháy đã được xử lý.
Chỉ cho đến sáng hôm sau, khi những thông tin và hình ảnh về vụ cháy được cập nhật liên tục trên các báo, tôi mới nhận ra rằng khi mình đang trải qua một giấc ngủ bình yên thì đã có biết bao nhiêu bi kịch xảy ra.
Tất cả những ác mộng tưởng như xa xôi ấy, chỉ diễn ra trong thời gian của một giấc ngủ…
Lẽ dĩ nhiên, sau mỗi thảm họa, chúng ta đi tìm người chịu trách nhiệm cho tấn bi kịch đó, chúng ta lục lọi để tìm một mắt xích bị trật, chúng ta kêu gọi những giải pháp để những chuyện đau buồn không thể lặp lại trong tương lai. Ở đây, tôi không định nói một câu chuyện đao to búa lớn và vĩ mô hơn thế, bởi đơn giản là tôi chưa đủ trình độ và hiểu biết để đưa ra một lời nhận xét.
Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đã bàng hoàng giật mình và tìm cách điều chỉnh. Người dân sẽ bắt đầu đi mua thang dây và bình cứu hỏa, những chủ chung cư bắt đầu nghĩ về một lối thoát hiểm, chính quyền bắt đầu họp bàn để chấn chỉnh lại quy trình quản lý và cấp phép. Một sự xốc lại dẫu muộn màng, nhưng chắc chắn là cần thiết.
Nhưng tôi còn tin rằng, sự thay đổi đấy không chỉ đến từ việc từ đây những chính sách sẽ được siết chặt hay những nhà làm luật sẽ mạnh tay hơn với những công trình sai phạm. Sự thay đổi đấy sẽ đến rất nhiều từ tấm lòng của mỗi cá nhân nằm trong bộ máy vận hành của xã hội.
Khi những người ở vị trí ra quyết định dành sự quan tâm đến quyền lợi của những người có thu nhập thấp, họ sẽ hiểu rằng không phải ai cũng có đủ tiếng nói để được lựa chọn. Và từ sự quan tâm đó, họ sẽ có trách nhiệm để từ chối những công trình có dấu hiệu sai phạm.
Khi người chủ nhà quan tâm đến sự an nguy của những người sinh sống trong công trình của mình, họ sẽ đưa phòng cháy chữa cháy lên làm yếu tố tiên quyết không thể tách rời khi bắt đầu xây dựng. Ít nhất, họ sẽ không để bài toán kinh tế làm thứ cản đường trong việc bớt đi một vài căn phòng và để dành diện tích đó xây cầu thang thoát hiểm.
Có những nỗi đau cả đời sẽ không thể chữa lành, và chúng ta chỉ là người đứng bên ngoài nhìn vào. Có lẽ chúng ta cũng không thể hiểu được một phần dẫu nhỏ nhất những gì mà những người phải chịu đựng sự mất mát của vụ cháy đang trải qua.
Nhưng chỉ khi chứng kiến, chúng ta mới có thể hiểu về sự vô thường bất định của cuộc sống, về sự đột ngột của những tai ương. Chỉ mong ước rằng, từ nay chúng ta đã học được bài học của mình, để không ai phải nói với nhau câu giá như, không phải giật mình đi tìm người chịu trách nhiệm, không phải rơi nước mắt vì đau thương.
Một ngày bình thường thật đáng quý biết bao!