Sau khi hoàn thành kỳ thi đại học và nhập học thành công, một trong những mối quan tâm đầu tiên của các bạn tân sinh viên đó là chỗ ở. Đây được coi là thử thách không hề nhỏ bởi không dễ để tìm được một nơi vừa ưng ý về mặt hình thức lại vừa hợp lý về mặt giá tiền.
Thực tế hiện nay, trên MXH xuất hiện nhan nhản những tin đăng bài cho thuê phòng ngon-bổ-rẻ, hay ra đường cũng dễ bắt gặp hàng tá các tờ rơi được dán khắp xung quanh phố xá tìm người thuê trọ. Tuy vậy, mấy ai biết được những quy tắc và bí kíp cần có để đi thuê trọ một cách tỉnh táo và không mắc bẫy những chủ trọ “treo đầu dê, bán thịt chó” đâu!
Để việc đi thuê trọ trở nên thuận lợi, các tân sinh viên cần phải trang bị cho mình bộ danh sách những câu hỏi để đặt ra cho chủ trọ trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng cho thuê phòng trọ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
1. Chi phí thuê trọ là bao nhiêu?
Ai cũng mong muốn được ở trong hoặc gần trung tâm thành phố hay nhà phố, nhưng điều này còn phải phụ thuộc vào tình hình tài chính của bạn vì giá thuê ở những nơi này khá đắt đỏ. Do đó, khi tìm phòng trọ sinh viên hãy xác định rõ mức giá thuê nhà trong khả năng tài chính của bản thân.
Bạn phải xác định rõ, hàng tháng ngoài tiền thuê trọ không thôi đâu, mà còn đính kèm với nào là tiền nhà, tiền điện nước, wifi, phí gửi xe… Vậy nên, trước khi thuê trọ bạn phải hỏi rõ người cho thuê, hoặc đọc kỹ trong bản hợp đồng để tránh trường hợp bị chặt chém, không vượt quá định mức chi tiêu cá nhân.
2. Đóng các khoản tiền theo phương thức nào?
Tùy từng nơi sẽ yêu cầu bạn đóng tiền cọc tùy theo quy định là 50%, 70% hay 100%. Số tiền này bạn có được bảo toàn và sẽ được nhận lại thế nào nếu hết hạn hợp đồng là điều bạn nên thắc mắc.
Ngoài ra, bạn cần hỏi thật kỹ càng, ngày đóng tiền nhà được ấn định là ngày bao nhiêu của tháng, có biên lai hay các hình thức xác nhận đã đóng tiền thế nào, trong các trường hợp đóng tiền nhà muộn thì có hình thức phạt gì không? Những thông tin này thường thường sẽ được trao đổi khi hai bên ký hợp đồng thuê trọ, các bạn cần lưu ý kỹ nhé!
3. Có được nấu ăn, giặt đồ tại phòng không?
Dù có xa bố mẹ và tự lập một mình thì những hoạt động thường nhật đều phải được duy trì như giặt giũ, vệ sinh cá nhân, phơi đồ, nấu ăn,… phải không nào? Tuy nhiên, không phải khu trọ nào cũng cho phép người đi thuê nấu nướng trong phòng vì để đảm báo phòng cháy chữa cháy, hoặc được nấu nướng nhưng chỉ được sử dụng bếp điện chứ không được mang bếp ga vào phòng…
Vậy nên, bạn phải hỏi chủ trọ có cho phép nấu nướng giặt giũ hay không, không gian ấy sẽ được quy định ở đâu, vệ sinh thì chung với các phòng khác hay khép kín, có nóng lạnh không điều hòa có sẵn hay phải lắp thêm… Tất cả đều phải hỏi chi tiết và cặn kẽ người cho thuê đấy nhé!
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
4. Đồ dùng và nội thất kèm theo là gì?
Các phòng trọ ở mức giá từ trung bình trở lên đôi khi sẽ cung cấp thêm cho người thuê những tiện nghi nhất định như tủ quần áo, giường, bàn học… Nhưng mình cũng cần biết đâu là thứ được sử dụng, các nội thất khi bàn giao có gặp vấn đề hay hư hỏng không. Trong quá trình ở, các thiết bị gặp trục trặc thì ai sẽ là người xử lý và chịu trách nhiệm, vấn đề này bạn hãy thực sự lưu tâm nhé!
5. Giờ giấc sinh hoạt như thế nào?
Sẽ có nhiều hình thức thuê trọ hiện nay như chung chủ hoặc không chung chủ. Mỗi hình thức sẽ có quy định khác nhau về giấc giấc đối với người thuê trọ. Thông thường khi thuê trọ theo hình thức chung chủ, các bạn sẽ có quy định giờ giới nghiêm là trước bao nhiêu giờ phải về nhà. Còn các bạn sẽ được thoái mái giờ giấc hơn khi thuê trọ không chung chủ.
Vậy nên trước khi thuê trọ, các bạn phải trả lời câu hỏi việc quy định giới nghiêm thời gian có ảnh hưởng tới sinh hoạt của cá nhân hay không? Nếu có thì hãy hỏi ngay chủ nhà giờ mở cửa và đóng cửa hằng ngày nhé. Những nơi để cửa tự do thì cần biết được bạn sẽ ra vào và kiểm soát cổng như thế nào.
6. Nội quy phòng trọ ra sao?
Ở đâu cũng vậy, các bạn sẽ có rất nhiều quy định cần phải nghe theo và tuân thủ. Nào là quy định để xe, nơi để rác, thời gian cần giữ trật tự, có cho phép người thân hay bạn bè ngủ qua đêm, nấu nướng ở ngoài hay trong phòng, phơi quần áo ở chỗ nào…
“Ở đâu thì âu đấy”, nếu đã chấp nhận thuê trọ thì bạn phải tuân thủ nội dung đã đề ra từ trước kẻo tránh bị phạt oan đấy nhé!
7. Tình hình an ninh xung quanh có tốt không?
Rời xa bố mẹ và phải sống tự lập ở một nơi xa lạ, việc đảm bảo an ninh an toàn là một điều hết sức quan trọng. Vậy nên không có gì khó hiểu khi vấn đề an ninh là điều tiên quyết ảnh hưởng tới quyết định thuê trọ. Hãy tranh thủ hỏi han những người xung quanh về vấn đề trật tự an ninh của khu phố và để ý một chút về cuộc sống sinh hoạt của hàng xóm, nếu không thì bạn có thể lên các group của trường để hỏi han thầy cô và các anh chị đi trước, biết đâu có người từng ở ở chỗ bạn định thuê, rồi review cho bạn thì sao?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
8. “Hàng xóm láng giềng” có tốt không?
Bạn có thể hỏi người thuê trọ hoặc tự tìm hiểu xem những người cùng chung dãy trọ của mình như thế nào? Họ là sinh viên hay người đã đi làm? Chủ yếu làm các công việc thế nào?… Biết là ở đâu cũng sẽ có người này người kia, nhưng tốt nhất cứ tìm hiểu cho chắc nhé.
9. Có chỗ để xe riêng không?
Nhiều khu trọ không có chỗ để xe cho sinh viên, do đó các bạn sẽ phải tìm đều dịch vụ trông giữ xe bên ngoài. Chi phí sẽ dao động tùy từng nơi, có thể là 100 – 500 nghìn/tháng tùy từng loại xe. Tóm lại, bạn nên tìm hiểu nơi đó có không gian gửi xe hay không nhé và đừng quên tìm hiểu là điều này miễn phí hay có phí. Nếu không có chỗ để xe thì phương án để xe thay thế sẽ là gì và ở đâu.
10. Trọ có gần chợ, trung tâm hay không?
Đây cũng là một yếu tố quan trọng khi quyết định thuê trọ vì nó sẽ thuận tiện cho việc sinh hoạt cho các bạn hơn. Còn gì sướng hơn việc muốn ăn gì, uống gì xuống nhà cái là có thể mua được luôn phải không nào? Tuy nhiên, việc ở trung tâm, gần chợ, dân cư đông đúc thường giá thuê trọ sẽ cao hơn, nhưng bù lại bạn cũng có khá nhiều lợi ích phải không nào?