9 kiểu phụ huynh mà giáo viên “dị ứng” nhất, bạn có nằm trong số đó không?
Những kiểu phụ huynh này ít nhiều đều gây ảnh hưởng đến quá trình truyền đạt kiến thức và giao tiếp trao đổi giữa giáo viên với học sinh.
- Con thắc mắc nhà có nhiều tiền hay không, phụ huynh trả lời “nghèo” vô tình làm hỏng tương lai của trẻ
- Phụ huynh lao tới trường hành hung thầy hiệu phó bị thương, sau khi cảnh sát vào cuộc thầy giáo lại phải ngồi tù
- Phụ huynh “méo mặt” vì tiền đồng phục đầu năm của con tốn cả nửa tháng lương
Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh phải là mối quan hệ hợp tác. Nếu coi trẻ là một cái cây, bạn bón phân, tôi tưới nước, bạn là mặt trời, tôi là mưa. Nếu sự hợp tác có vấn đề, người chịu ảnh hưởng đầu tiên chắc chắn là con cái. Vì vậy, thầy cô và phụ huynh cần đạt được tiếng nói chung, tuyệt đối không để tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”, nghi ngờ, nói xấu nhau.
Dưới đây là 9 kiểu phụ huynh mà các giáo viên không thích nhất. Nếu bạn cũng nằm trong số đó thì nên sớm thay đổi.
1. Bắt giáo viên chuyển chỗ ngồi tốt nhất cho con mình
Một số phụ huynh sẽ nhờ giáo viên sắp xếp chỗ ngồi cho con mình theo yêu cầu của họ. Họ cho rằng con phải ngồi hàng nào, vị trí nào thì việc học tập mới thuận lợi.
Tuy nhiên, không có cái gọi là vị trí tốt nhất trong lớp học. Khi sắp xếp chỗ ngồi, giáo viên thường phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khác nhau như chiều cao, tầm nhìn, mối quan hệ giúp đỡ, dìu dắt, thói quen học tập… của từng em. Việc can thiệp cứng rắn vào quá trình sắp xếp chỗ ngồi này làm ảnh hưởng đến không chỉ một mà nhiều học sinh khác nữa.
Trong lớp, trái tim, tầm nhìn và đầu óc của trẻ ở đâu quan trọng hơn nhiều so với chỗ ngồi của trẻ.
Ảnh minh họa
2. Coi giáo viên như bảo mẫu
Sau khi cho con đi học, vì quá thương con mà nhiều phụ huynh nhờ vả giáo viên hết việc này đến việc khác từ “nhớ dặn A uống nước”, “dặn B cầm ô”, “dặn C đứng chỗ này chỗ kia chờ mẹ”…
Nếu cả ngày giáo viên cứ phải thay phiên nhau đảm nhiệm trọng trách người truyền tin, shipper và bảo mẫu, vậy ai sẽ là người truyền dạy kiến thức cho học sinh?
3. Chỉ nhìn vào thành tích của con
Với những bậc phụ huynh này, chỉ cần trẻ có thành tích không tốt, giáo viên và nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm. Thứ nhất, họ không thừa nhận sự khác biệt về tài năng, năng khiếu của mỗi đứa trẻ. Thứ hai, họ nhắm mắt làm ngơ trước sự tiến bộ của trẻ, thậm chí trực tiếp bỏ qua tâm huyết dạy dỗ của thầy cô. Giáo viên là người làm vườn, họ chỉ có thể cắt tỉa, uốn nắn cây chứ không thể đảm bảo rằng mỗi cây con đều sẽ trưởng thành thành đại thụ.
4. Luôn coi mình cao hơn người khác một bậc
Những phụ huynh này tự thân đã mang cảm giác “hơn người”, gặp ai cũng phải oang oang biết “tôi là ai” hoặc “tôi là ai của ai”. Một giáo viên chính trực sẽ không đối xử đặc biệt với con bạn chỉ vì danh tính của bạn, vì điều đó đi ngược lại sự công bằng trong giáo dục. Đối với giáo viên, so với câu chuyện trẻ là ai thì điều quan trọng hơn là trẻ có yêu thích học tập và tôn trọng giáo viên hay không.
5. Trăm sự nhờ thầy cô
Cha mẹ giao con cho thầy cô rồi phủi tay mặc kệ hoàn toàn, họ lấy lý do mình bận hoặc trình độ mình không đủ để dạy con và chỉ để lại một câu: “Trăm sự nhờ thầy cô”.
Câu nói đó được dùng đi dùng lại suốt mấy năm học. Họ vắng mặt trong buổi họp phụ huynh, họ mặc kệ chuyện học hành của con, họ coi giáo dục trẻ là trách nhiệm của giáo viên.
Không vun trồng, không tưới nước, không bón phân, chỉ ngồi yên một chỗ chờ cây kết quả, nuôi con làm gì có chuyện dễ dàng như thế?
Ảnh minh họa
6. Nói năng trống không
Không biết là để tiết kiệm điện hay tiết kiệm thời gian, nhưng một số phụ huynh khi trao đổi với giáo viên thường bỏ hết mọi xưng hô, ví dụ: “Hết giờ học rồi à?”/ “Hôm nay bài tập về nhà là gì?”/ “Mai có cần mang sách này sách kia không?”… Đây là hành động hết sức mất lịch sự và thiếu tôn trọng những người đang ngày ngày dạy dỗ con bạn.
Nếu bạn cũng như vậy mà giáo viên vẫn trả lời bạn lịch sự, nghiêm túc thì chỉ có một lý do, đó là giáo viên không muốn những đứa trẻ vô tội phải xấu hổ thay.
7. Đụng tí là lập hội hô hào ồn ào trong trường
Một số phụ huynh luôn cố gắng thay đổi trường học, họ có quan điểm với mọi thứ, từ hệ thống giáo dục, cách phân bổ giáo viên đến tiến độ lớp học… Họ cũng không thích các kênh giao tiếp thông thường mà thích lập nhóm, kết bè phái để gây ồn ào.
Khuôn viên trường là nơi yên tĩnh, thường xuyên tiến hành các cuộc gặp gỡ tập thể, lên án, phản đối ồn ào gây ảnh hưởng đến công tác dạy và học, đồng thời còn vô tình làm tổn thương những đứa trẻ.
8. Bao che khuyết điểm một cách mù quáng
Khi con mắc lỗi ở trường hoặc xung đột với các bạn rồi bị phạt, kiểu phụ huynh này sẽ bảo vệ con vô mù quáng mà không buồn quan tâm đầu đuôi câu chuyện ra sao.
“Sao con tôi lại có lỗi được?” – Đôi mắt của họ tự có bộ lọc, chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp ở con mình, cho rằng con mình là thiên thần ngoan ngoãn nhất.
9. Thế nào cũng được
Kiểu phụ huynh “thế nào cũng được” này không những không dạy dỗ con mình mà còn muốn giáo viên cũng làm vậy luôn. Họ luôn miệng nói: “Tôi không có yêu cầu gì với con mình cả”, “Chỉ cần nó tốt nghiệp là được”, “Thầy cô cứ kệ nó đi”…
Thế nhưng, dù cha mẹ có lơ là bổn phận thì thầy cô cũng không thể làm thế. Trường học là một khu vườn, nếu một cây con mọc bừa bãi cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của những cây con khác.
Nguồn: 163.com