Một môn học “tuy quen mà lạ” được đưa vào giảng dạy ở TP.HCM: Chương trình học, mức phí ra sao?
Đây là môn học được xem là thế mạnh của học sinh TP.HCM, được các trường học đầu tư, phụ huynh học sinh quan tâm cho con em theo học.
- Ở Ngoại giao có một môn học cực độc – lạ, sinh viên hóa thành chính khách tham gia các hội nghị mô phỏng xịn như thật
- Đạt GPA gần như tuyệt đối, nhưng “học bá” Ngoại thương vẫn phải “chào thua” trước môn học này!
- Những môn học “ám ảnh” nhiều sinh viên đại học
Có con vào lớp 6 một trường THCS ở Bình Chánh (TP.HCM) năm nay, anh Ngọc Minh (44 tuổi) thắc mắc về môn học có tên Tin học quốc tế (THQT) trong thời khóa biểu. “Ngoài môn Tin học thì còn THQT, hai môn này khác nhau ra sao?”, anh nói.
Ngoài môn Tin học thì còn THQT. (Ảnh NVCC)
Trên thực tế, tại TP.HCM, các trường học đang đẩy mạnh việc triển khai giảng dạy Tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh theo đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021 – 2030”, cũng như việc nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.
Do đó, cùng với tiếng Anh, Tin học được xem là thế mạnh của học sinh TP.HCM, được các trường học đầu tư, phụ huynh học sinh quan tâm cho con em theo học. Đặc biệt, tại TP.HCM, Tin học là môn học tự chọn được triển khai từ lớp 1 với 88,76% học sinh tiểu học được tiếp cận, riêng lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018 là 100%.
Theo thống kê, chỉ riêng Tin học quốc tế ICDL trong năm học 2023 – 2024 đã có trên 100 trường trên địa bàn thành phố từ tiểu học đến THPT giảng dạy.
Chương trình THQT sẽ học gì? Mức thu ra sao?
Mục 4.1 của Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021 – 2030” nêu rõ:
“Song song với việc triển khai thực hiện việc dạy môn Tin học theo chương trình hiện hành và theo lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT ban hành tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT 26/12/2018, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục nghiên cứu, mở rộng việc triển khai thực hiện các chương trình Tin học theo chuẩn quốc tế, khuyến khích đưa vào trường phổ thông nhiều chương trình theo các chuẩn quốc tế đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong giai đoạn hiện nay, đưa vào giảng dạy tại trường phổ thông các chương trình nhằm khuyến khích học sinh đạt các chứng chỉ quốc tế của Certiport và ICDL”.
Chương trình Tin học quốc tế theo chuẩn của Certiport ở cấp tiểu học gồm: Tổ chức dạy học tăng cường Tin học để học sinh được hướng dẫn sử dụng các tài liệu: Luyện tập tin học – cùng IC3 Spark, IC3 Spark – Máy tính căn bản (lớp 3), IC3 Spark – Các ứng dụng chủ chốt (lớp 4), IC3 Spark – Cuộc sống trực tuyến (lớp 5) và phần mềm ôn luyện GMetrix IC3 Spark nhằm giúp học sinh đạt chứng chỉ IC3 Spark.
Chương trình Tin học quốc tế theo chuẩn của ICDL ở cấp tiểu học gồm: Tổ chức dạy học các nội dung: Làm quen với thế giới số (lớp 3); Làm quen với các ứng dụng máy tính (lớp 4); Làm quen với mạng trực tuyến (lớp 5) nhằm giúp học sinh đạt chứng chỉ “Digital explorer” của ICDL.
Mục tiêu từ năm 2023 đến năm 2025: Đối với các trường tiên tiến – hội nhập: 100% học sinh được học và 50% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác: Đáp ứng 50% nhu cầu học sinh và 30% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.
Mức thu thế nào?
Theo anh Ngọc Minh, hiện trường con anh vẫn chưa tổ chức họp phụ huynh đầu năm nên bản thân anh chưa nắm được mức thu của môn THQT.
Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM có hiệu lực từ ngày 22/7/2023 quy định rõ 26 khoản được phép thu trong trường công lập ở TP.HCM trong năm học 2023 – 2024. Trong đó có khoản thu là “Tiền tổ chức các lớp học theo Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021 – 2030”.
Ở cả khu vực 1 và 2, mức thu tối đa cho mục này, với bậc tiểu học là 150 ngàn đồng/học sinh/tháng; THCS là 180 ngàn đồng/học sinh/tháng và THPT là 120 ngàn đồng/học sinh/tháng.