Đáp án cuối cùng cho tranh cãi “Học trường top ra đời chắc gì thành công bằng ai” đúng hay sai
Một nghiên cứu nổi tiếng từng cho thấy thu nhập của những sinh viên top đầu trường xịn và trường thường không khác nhau là bao.
- Nàng Hậu vừa được cầu thủ bóng đá nổi tiếng cầu hôn: Là sinh viên trường top, học vấn đỉnh khỏi bàn!
- Một nam ca sĩ nổi tiếng thời đi học nghịch ngợm nhưng vẫn học hành rất nghiêm túc, kết quả đỗ ngôi trường top đầu
- Đỗ đại học cũng nhìn vào gia cảnh? Danh sách trúng tuyển trường top đầu gây tranh cãi vì thực trạng đáng buồn
Chúng ta vẫn thường nghe những câu chuyện người học giỏi nhất, học trường chuyên lớp chọn khi ra đời cũng chỉ trở thành người bình thường. Một số người thành công nhất lại là những người học hành bình thường, thậm chí bỏ học khi còn trẻ.
Các nhà kinh tế học từ lâu đã “chế giễu” nỗi ám ảnh của các bậc cha mẹ về việc cho con mình vào trường đại học Ivy League (top 8 những trường đứng đầu nước Mỹ) bằng mọi giá, nhờ nghiên cứu cách đây nhiều năm cho thấy điều đó không tạo ra sự khác biệt nào đối với thu nhập tương lai của sinh viên.
Sinh viên top đầu trường danh tiếng và trường thường có thu nhập không chênh lệch
2 nghiên cứu được công bố năm 2002 và 2014 của Stacy Berg Dale, chuyên gia nghiên cứu tại công ty khoa học dữ liệu Mathematica và Alan Krueger của Đại học Princeton cho thấy những sinh viên được nhận vào các trường ưu tú có thu nhập trung bình tương đương với những sinh viên trường bình thường.
Ivy League là tên gọi của nhóm 8 trường Đại học tốt nhất nước Mỹ bao gồm Đại học Harvard, Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Đại học Pennsylvania, Đại học Princeton, Đại học Yale
Họ đã dành hàng chục năm nghiên cứu dữ liệu tuyển sinh của 34 trường đại học công lập và tư thục Mỹ từ năm 1976, bao gồm cả trường top và trường thường. Các chuyên gia đã truy tìm gần như mọi sinh viên trong danh sách vào 20 năm sau. Một nghiên cứu tiếp theo đã theo dõi các học sinh từ năm học 1989.
Khoảng 35% sinh viên trong cuộc khảo sát này không theo học tại trường ưu tú. Điều đó cho phép Dale và Krueger so sánh được 2 nhóm người. Dale nói: “Nghiên cứu của chúng tôi đặt ra một câu hỏi khó chịu: ‘Tại sao mọi người lại trả tiền để theo học những trường ưu tú này nếu chúng thực sự không có bất kỳ giá trị gia tăng nào?'”. Quả thực, sau tất cả, thu nhập trung bình vào 20 năm sau của cả 2 nhóm người không có quá nhiều sự chênh lệch.
Điểm khác biệt thực sự của trường danh tiếng
Nhưng hóa ra nghiên cứu có thể đã bỏ lỡ điều gì đó quan trọng. Một nghiên cứu mới được công bố gần đây cho thấy rằng đối với một số người, việc được nhận vào Ivy League vẫn sẽ mang lại cơ hội lớn hơn trong sự nghiệp so với người học trường thường.
Những dữ liệu này đã lật ngược lại sự nghi ngờ rằng các trường đại học hàng đầu không chỉ là cửa ngõ dẫn đến một công việc tốt mà còn là cánh cửa dẫn tới tầng lớp giới tinh hoa.
Năm 2023, nhóm các nhà khoa học bao gồm Raj Chetty và David Deming của Đại học Harvard và John Friedman của Đại học Brown đã xuất bản một bài nghiên cứu chi tiết khác về vấn đề này.
Cách tiếp cận của họ tương tự với khảo sát nổi tiếng của Dale – Krueger: sử dụng hồ sơ nội bộ của trường đại học với các thông tin như GPA, điểm kiểm tra và bằng cấp phi học thuật của gần 500.000 người ở 12 trường đại học top đầu và 1,9 triệu người học các trường bình thường. Kết quả vẫn cho thấy những sinh viên đứng đầu mọi trường đều có thu nhập tương đương.
Sự thay đổi chỉ xuất hiện khi họ đi sâu hơn vào những người có thu nhập cao nhất. Dale và Krueger đã phân loại những người kiếm được trên 200.000 USD/năm vào cùng một nhóm, không phân biệt giữa một bác sĩ giàu có kiếm được 250.000 USD và Jeff Bezos. Trong khi đó, Chetty và các đồng nghiệp sử dụng một cách tiếp cận hơi khác. Họ phân loại thu nhập một cách cụ thể hơn, tức phân loại nhóm tinh hoa giàu có nhất một cách chi tiết hơn hẳn chứ không gộp chung.
Kết quả, Chetty nhận thấy những sinh viên hàng đầu theo học tại trường Ivy có thu nhập trung bình cao hơn. Nói một cách dễ hiểu, học Ivy League giúp chúng ta có cơ hội “trúng số”, tức có khả năng bước vào giới tinh hoa 1% thế giới giống như Jeff Bezos nhiều hơn.
12% CEO trong danh sách Fortune 500, 25% thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã học tại các trường hàng đầu. Chetty cho biết: “Nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia được trả lương cao ở một công ty tốt thì để theo đuổi mục tiêu đó, ngôi trường mà bạn theo học cũng không quan trọng lắm. Nhưng nếu bạn muốn đạt được vị trí đỉnh cao trong xã hội, trở thành CEO, nhà khoa học hàng đầu tại một trường đại học hàng đầu, nhà lãnh đạo chính trị,… thì học ở Ivy League sẽ giúp ích nhiều. Nhóm người ở trên đỉnh cao này tuy hiếm tính theo tỷ lệ phần trăm nhưng lại cực kỳ quan trọng trong xã hội”.
Đồng tác giả của Chetty, Deming so sánh những kết quả cao hơn đó với việc trúng số: Các trường ưu tú có rất nhiều tờ vé số nằm trên mặt đất, trong khi hầu hết các trường đại học khác chỉ có vài ba tờ mà thôi.
Nguồn: The Wall Street Journal