Chưa hết shock vì “ma trận lừa đảo”, tân sinh viên lại bất lực nhìn giá nhà tăng mức trên trời
Để tìm được căn phòng trọ “ngon – bổ – rẻ” hiện nay còn khó hơn cả lên trời.
- Sinh viên “dàn trận” tìm trọ online
- Hà Nội những ngày này: Đại chiến TÌM TRỌ đang diễn ra, đi từ mùng 8 Tết không kiếm được phòng, lơ ngơ là mất 2,5 triệu đặt cọc
- 12 điều sinh viên cần nhớ kỹ: Tiền bạc dù là bạn thân cũng phải sòng phẳng, đi tìm trọ nhớ hỏi “bà hàng xóm”!
Tháng 9 – tháng 10 hàng năm là khoảng thời gian cao điểm của “cuộc chiến” đi tìm thuê trọ, bởi đây thường là lúc các tân sinh viên sẽ lên thành phố nhập học. Với các tân sinh viên, nơi trọ học lý tưởng nhất có lẽ là ký túc xá của trường. Tuy nhiên, chỗ ở trong ký túc xá đều rất hạn chế với hàng dài các danh sách ưu tiên.
Vì thế, sau niềm vui trúng tuyển là nỗi lo của rất nhiều thí sinh và phụ huynh tỉnh lẻ về chỗ ăn, ở, đi lại, thích nghi với môi trường sống hoàn toàn xa lạ. Trong đó vấn đề trước tiên là tìm nhà trọ.
Sinh viên khóc ròng vì giá nhà trọ tăng
Bạn Tùng Lâm – tân sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Ngay sau khi biết tin trúng tuyển vào trường, mình và mẹ đã lên Hà Nội tìm nhà trọ. Tìm cả một ngày trời, đi khắp ngõ ngách mà vẫn không tìm được căn phòng hợp lý”.
Nói không có phòng thì cũng không đúng, bởi rẻ thì nhiều nhan nhản nhưng lại không phù hợp với nhu cầu của nam sinh. Còn phòng đẹp, rộng rãi thoáng đãng lại quá đắt so với khả năng chi trả của Tùng Lâm và gia đình. Giá phòng cao nhất trong lần “truy lùng” trọ vừa rồi của cậu lên đến 5,3 triệu, dạng chung cư mini. Tuy nhiên, bố mẹ của Tùng Lâm ngay từ đầu đã xác định không thuê chung cư mini vì đảm bảo an toàn về PCCC ở đây không được đảm bảo. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, nam sinh quyết định thuê một căn hộ dạng chung chủ với giá 3 triệu đồng.
Tùng Lâm nói: “Thôi thì chịu quản lý về mặt giờ giấc một xíu vì chủ nhà yêu cầu người thuê về trước 21 giờ, để đổi lại căn phòng sạch sẽ, thoáng đãng, xung quanh dân cư đông đúc và đặc biệt là gần trường nữa”.
Ảnh minh họa
Một loại hình thuê khác là chung cư mini cũng tăng giá, và mức giá dao động từ 3-7 triệu đồng. Không chỉ các bạn tân sinh viên, mà đối với sinh viên đã ở thành phố lâu năm cũng cảm thấy “chóng mặt” trước sự tăng vọt của giá phòng trọ. Đó chính là câu chuyện của Phương Linh (sinh viên năm 3 Học viện Tài chính). 3 năm qua, “trộm vía” là Phương Linh chưa phải đổi trọ nhiều, chỉ ở tại một căn phòng duy nhất dạng chung cư mini, không chung chủ. Khác một điều là nếu như trước, Phương Linh chỉ cần bỏ ra 3 triệu/tháng để thuê căn phòng đó, thì sang năm 3, chủ nhà đã thông báo tăng giá nhà lên 3,5 triệu đồng.
Ngoài tiền nhà, khi đi thuê trọ, các bạn trẻ còn phải gánh chịu thêm những khoản phụ phí kèm theo như: Tiền điện, tiền nước, tiền mạng, tiền vệ sinh chung, tiền gửi xe… Nếu chi tiêu chắt chiu thì sinh viên mất vài trăm một tháng cho những khoản phụ phí này, nhưng vào những ngày thời tiết Hà Nội nóng bức, thì chỉ tính riêng tiền điện có thể lên đến vài triệu đồng. Bởi lẽ, giá điện chung của các phòng trọ hiện nay dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/kW (theo quy định của Nhà nước về giá điện sinh hoạt tại Hà Nội, các chủ nhà trọ không được thu quá 2.300 đồng/kWh). Biết là đắt hơn so với quy định nhưng nhiều người vẫn phải “cắn răng chịu đựng” vì không có lựa chọn nào khác.
Thuê cùng dãy trọ với Phương Linh từ năm nhất là cô bạn Khánh Nguyên (sinh viên năm 3 Học viện Tài chính), tuy nhiên nữ sinh này đã phải đổi trọ vì không thể kham nổi chi phí ngày càng tăng cao như hiện nay.
“Các bạn tin không, riêng mùa hè bọn mình dùng hết 2 triệu tiền điện. Tính tổng tất cả mọi thứ kể cả ăn uống, nộp các khoản phát sinh như tiền điện, tiền nước… một tháng mình đã tiêu hết của bố mẹ 6-7 triệu. Nhận tin giá phòng tăng lên 500 nghìn đồng, mình nghĩ quá cao so với chi phí mình bỏ ra nên đã chuyển ra một chỗ khác, dù không tiện như như ở đây, nhưng chi phí rẻ hơn khoảng 1 triệu”.
Nhan nhản những chiêu thức lừa đảo
Ngoài chi phí ăn ở, nếu không cẩn thận, các tân sinh viên có thể mất tiền ngay cả “bước gửi xe” – tức là bước đi xem phòng hay bước đặt cọc phòng. Theo đó, khi đã tìm được một phòng trọ ưng ý, hầu hết sinh viên phải đặt tiền cọc từ 1 – 2 triệu đồng và nộp trước 2 – 3 tháng tiền phòng để giữ chỗ. Nhiều bạn sinh viên đã “dính bẫy” khi đặt cọc tiền cho những đối tượng tự xưng là người cho thuê nhà, nhưng thực chất chỉ là lừa đảo.
Ngoài ra, một chiêu thức lừa đảo khác cũng khá phổ biến là tự ý phát sinh nhiều khoản tiền vô lý. Lúc đầu khi đến hỏi thuê phòng, chủ nhà sẽ đưa ra giá thuê rẻ, các khoản chi phí hàng tháng hợp lý, tiền điện nước tính như hộ dân, gửi xe miễn phí… nhưng khi ở một thời gian lại là câu chuyện khác.
Ảnh minh họa
Tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” trong việc tìm trọ cũng cần nhắc đến ở đây. Dù không phải là hiện tượng mới, thậm chí còn được cảnh báo nhiều lần, nhưng đứng trước tình trạng “cháy phòng” và giá nhà tăng vọt, nhiều sinh viên vẫn phải chấp nhận thuê phòng trọ cũ kỹ, giá không hợp lý, để “ở tạm”, “ở đến hết hợp đồng rồi chuyển” vì sợ không có phòng để ở.
Cùng mục đích lừa tiền cọc, kẻ xấu có thể dùng chiêu “treo đầu dê bán thịt chó”, đăng thông tin phòng trọ rẻ, đẹp, đầy đủ tiện nghi và giục sinh viên đặt cọc giữ phòng vì đang có người muốn thuê ngay. Tuy nhiên, khi trực tiếp đi xem, sinh viên mới phát hiện phòng trọ tồi tàn, không giống hình ảnh quảng cáo, nếu không thuê đành chấp nhận mất cọc.
Ở trọ cùng người lạ hay ở nhờ nhà họ hàng/ người quen?
Lên cuộc sống đại học, nếu không phải đi ở trọ ngày nào trong đời hẳn bạn là người cực kỳ may mắn! Bạn sẽ không phải lo cảnh xa gia đình, không lo chạy ngược xuôi tìm nhà và đặc biệt không cần đau đầu phân vân nên chọn ở trọ hay ở ký túc xá.
Tuy nhiên may mắn này không phải ai cũng có. Phần đông mọi người vẫn phải chấp nhận chuyện xa nhà, xa bố mẹ, một mình tự lập nơi thành phố. Và đương nhiên, vấn đề ở đâu giờ đây trở thành câu hỏi cần giải quyết đầu tiên. Có 3 option mà mọi người thường cân nhắc đó chính là: ở kí túc xá, ở trọ và ở nhà người thân.
KTX Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hòa Lạc
Như đã nói, chỗ ở trong ký túc xá đều rất hạn chế với hàng dài các danh sách ưu tiên, vậy nên mọi người phải tìm thuê trọ ở ngoài và để tìm được một căn phòng “gần trường, sạch sẽ, an ninh tốt” thì số tiền bỏ ra là không hề nhỏ. Một giải pháp mà nhiều bạn sinh viên áp dụng đó là ở ghép để giảm bớt chi phí. Còn nếu ai có họ hàng, người thân thì cũng có thể cân nhắc thêm cả option này nữa.
Nhiều bạn sinh viên buộc phải cân đo đong đếm cái lợi, cái mất khi chọn lựa giữa ở kí túc xá, ở trọ và ở nhà người thân. Nếu ký túc xá chi phí siêu rẻ, được tiếp xúc với nhiều người bạn ở mọi vùng miền, được trải nghiệm những điều mới lạ thì sinh viên lại gặp bất lợi liên quan đến vấn đề riêng tư. Trong khi đó, nhà trọ rộng rãi đấy, tự do đấy nhưng tiền nhà lại đắt gấp cả chục lần, mỗi người một tính cách và hoàn cảnh sẽ có những cách chọn riêng. Còn ở nhà người thân tuy thuận tiện đủ đường, nhưng đôi khi chúng ta lại không quá thoải mái.
Làm cách nào để lựa chọn phòng trọ tốt?
Những lời khuyên khi chọn phòng trọ cho thuê bạn nên đọc:
– Thuê phòng ở gần trường luôn là lựa chọn tối ưu.
– Phòng trọ thoáng mát, sạch sẽ; Hàng xóm có vẻ thân thiện, đàng hoàng.
– Nước dùng sạch (không mùi), tránh những nhà trọ dùng nước giếng. Có công tơ điện đặt trước cửa phòng – tiện theo dõi, tránh câu trộm, chỉnh công tơ.
– Trao đổi trước với chủ nhà về tất cả những chi phí. Hỏi kĩ khi xem nhà về điện nước, hợp đồng, có phải đặt cọc như thế nào.
– Cửa, cửa sổ chắc chắn, được khóa an toàn.
– Giá thuê không quá đắt so với những nhà tương tự.
– Tìm hiểu trước về nội quy xóm trọ.
– Tham khảo những thông tin nhà trọ chính thống từ người quen, anh chị khóa trên, thầy cô giáo…
– Nên tham gia vào những hội nhóm tìm nhà, trang web cho thuê uy tín. Luôn đề cao cảnh giác, không chuyển khoản tiền cọc khi bạn chưa tới xem phòng. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến của các anh chị sinh viên khóa trước để tìm kiếm sự tư vấn và giúp đỡ.