Trường kêu gọi sửa nhà vệ sinh hơn 130 triệu đồng, nhiều phụ huynh phản đối
Một trường tiểu học ở Quảng Trị đã vận động phụ huynh học sinh ủng hộ sửa chữa nhà vệ sinh với kinh phí hơn 130 triệu đồng và vấp phải sự phản đối của nhiều người.
- Cô giáo túm cổ áo kéo lê học sinh: Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo tạm đình chỉ giảng dạy
- Vụ giáo viên túm cổ áo nữ sinh ở Hà Nội: Dừng công tác chủ nhiệm, chờ kết luận của công an
- Cô giáo túm cổ áo, kéo học sinh vào lớp: Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo khẩn
Vừa qua, đường dây nóng của Báo Người Lao Động tiếp nhận thông tin phản ánh của nhiều phụ huynh sinh sống tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị về việc Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt vận động ủng hộ sửa chữa nhà vệ sinh với tổng kinh phí hơn 130 triệu đồng.
Một phụ huynh có con theo học tại Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt cho biết để đủ kinh phí sửa chữa nhà vệ sinh, nhà trường chia theo đầu người “ủng hộ”. Cụ thể, học sinh lớp 1 ủng hộ 380.000 đồng, học sinh các lớp 2, 3, 4 là 330.000 đồng và học sinh lớp 5 là 150.000 đồng.
Nhà vệ sinh Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt đã được xây dựng khoảng 17 năm nay
Nhiều phụ huynh không đồng tình với lý do khoản này không nằm trong danh mục thu và mức nhà trường đưa ra khá cao trong khi điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn…
Bên cạnh những ý kiến trái chiều, nhiều phụ huynh chia sẻ đồng tình với việc vận động xã hội hóa để sửa chữa nhà vệ sinh của nhà trường. Bởi, nhà vệ sinh ở đây đã xuống cấp, con em họ cần có nhà vệ sinh sạch sẽ hơn.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Tuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt, cho biết trường có 540 học sinh. Vì nhà vệ sinh dành cho học sinh được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp nên trường kêu gọi, vận động xã hội hóa để sửa chữa.
Nhà vệ sinh dành cho học sinh tại Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt
Theo dự toán, kinh phí sửa chữa nhà vệ sinh trên là 131 triệu đồng, bao gồm các hạng mục như ốp tường, trụ, cột, lát nền, sàn gạch… Để thực hiện, bà Tuyên thừa nhận có đưa ra các mức ủng hộ như phụ huynh phản ánh. Tuy nhiên, phụ huynh đồng tình thì ủng hộ, không thì thôi, nhà trường không ép buộc.
“Nhà trường đưa ra mức ủng hộ như thế, còn phụ huynh ủng hộ bao nhiêu thì tùy, có thể ít hoặc nhiều hơn. Khi đủ kinh phí thì nhà trường sẽ không nhận nữa. Mình đi xin mà, chứ có phải bắt buộc đâu” – bà Tuyên nói.
Trả lời câu hỏi nhà trường đã trình kế hoạch vận động tài trợ cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh phê duyệt hay chưa, bà Tuyên cho hay trường chưa thực hiện, khi nào phụ huynh thống nhất, đồng thuận thì sẽ trình lên cấp trên. “Nhà trường cố gắng làm cho học sinh chứ không có tính toán gì cả” – bà Tuyên phân trần.
Theo tìm hiểu, sau khi được giáo viên chủ nhiệm thông báo, nhiều phụ huynh đã đóng tiền ủng hộ sửa chữa nhà vệ sinh cho nhà trường. Số tiền này nhà trường đang tạm tiếp nhận.
Nghiêm cấm việc vận động bình quân
Ngày 22-8, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Quảng Trị ra văn bản về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu năm học 2023-2024. Tại văn bản này, đối với việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho giáo dục, sở hướng dẫn: Trước khi tổ chức vận động tài trợ, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS xây dựng kế hoạch, báo cáo phòng giáo dục – đào tạo phê duyệt; cơ sở giáo dục THPT và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc Sở Giáo dục – đào tạo báo cáo sở phê duyệt.
Sở Giáo dục – Đào tạo, phòng giáo dục – đào tạo có trách nhiệm thẩm định phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ trong vòng 15 ngày kể từ lúc nhận được hồ sơ của cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục chỉ được triển khai thực hiện khi có kế hoạch vận động tài trợ được phê duyệt.
Sở Giáo dục – Đào tạo lưu ý việc vận động tài trợ phải được triển khai hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc; nghiêm cấm việc vận động bình quân.