Bài phát biểu truyền cảm hứng nhất mùa khai giảng: “Là chính mình trong thế giới luôn cố biến thành người khác”
Bài phát biểu này đã truyền cảm hứng cho nhiều tân sinh viên.
- Nam sinh được xin info nhiều nhất ngày khai giảng vì quá điển trai: Cao 1m77, ảnh đời thường càng gây bão
- Vừa khai giảng năm học mới đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường
- Đưa con trai đi khai giảng, dân tình soi ra độ chịu chi của Xuân Bắc khi mỗi năm tốn cả gia tài cho việc này
Có thể nói, khai giảng đầu tiên ở bậc đại học là một cột mốc quan trọng đối với nhiều tân sinh viên nào bởi nó đánh dấu một giai đoạn trưởng thành mới trong cuộc đời. Thật khó để nói về cảm xúc vào khoảnh khắc này, có thể là háo hức, bồi hồi, nhưng cũng có thể là vui mừng, hạnh phúc…, bởi giờ đây các bạn đã 18 tuổi, kết thúc quãng thời gian vô lo vô nghĩ để tiến gần hơn đến ngưỡng cửa trưởng thành.
Có mặt trong lễ khai giảng năm học 2023 – 2024, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp – Phó hiệu trưởng thường trực trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (cơ sở Vĩnh Tuy) đã có những phát biểu truyền cảm hứng đến các bạn tân sinh viên với chủ đề: “Hãy tự tin vào bản thân, lắng nghe và khám phá giá trị bản thân để thành công hơn”.
GS.TS Nguyễn Công Nghiệp phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới của trường
Thầy đánh tiếng trống khai trường
Cụ thể, GS. TS Nguyễn Công Nghiệp chia sẻ: “Kể từ giờ phút này, các em không còn là học sinh nữa, mà đã là sinh viên đại học. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc hành trình chinh phục tri thức của các em. Học đại học các em sẽ được tiếp xúc với môi trường mới, môi trường đào tạo kỹ năng tư duy, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp.
Trong môi trường này, chương trình học tập của các em sẽ hoàn toàn khác so với môi trường phổ thông. Thay vì học theo các môn học, các em sẽ học theo các khối kiến thức, bao gồm kiến thức đại cương, kiến thức ngành, các em sẽ đi thực tập, viết và bảo vệ khóa luận, đồ án tốt nghiệp. Khối lượng kiến thức cần thu nạp rất đồ sộ và đa dạng, cường độ học tăng lên rất nhiều, nên phải thay đổi phương thức học”.
Ngoài ra, thầy cũng nhắn nhủ đến các bạn sinh viên rằng, thời gian trên lớp chỉ đủ để nghe thầy cô hướng dẫn, giải đáp câu hỏi, còn lại phải tự học, tự nghiên cứu, vì vậy các bạn phải gạt bỏ thói quen phụ thuộc vào thầy cô để tìm ra phương pháp học phù hợp. Học đại học phải tư duy nhiều hơn, các hoạt động tập thể, nhóm cũng nhiều hơn, các bạn cần chủ động, sắp xếp và cân bằng thời gian để hài hòa giữa việc học tập, nghiên cứu với rèn luyện kỹ năng, tham gia hoạt động xã hội, các phong trào Đoàn – Hội.
Khi đối mặt với những cạm bẫy, thầy không khuyên các bạn trẻ né tránh bằng cách thu mình lại. Mà mong mọi người nhận thức được những khó khăn, trở ngại, cảm nhận rõ ràng hơn về bản thân mình, từ đó trang bị cho mình kỹ năng thích ứng, kỹ năng chống chọi, biết cách từ chối những cám dỗ xung quanh, rèn luyện ý chí và bản lĩnh bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình, tự tin đi xuyên qua những chuyển động phức tạp của cuộc sống, chủ động liên kết với những cá nhân có hệ sinh thái khác nhau, nền tảng khác nhau để cùng vượt qua khó khăn, thử thách, tạo dựng cho mình trạng thái bình thường mới và sớm khẳng định mình trong môi trường mới.
Sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tham gia lễ khai giảng
Các tiết mục văn nghệ được đầu tư công phu để chào đón các bạn tân sinh viên của trường
Trường năm nay còn “chơi lớn” khi mời ca sĩ Đức Phúc về biểu diễn tại chương trình
“Thời đại này thuộc về những người sẵn sàng vượt qua giới hạn, hãy chủ động tham gia một nhóm thiện nguyện, một cuộc thi sáng tạo, một CLB khởi nghiệp, để trải nghiệm giới hạn của mình và thử vượt qua nó. Chính các em, chứ không phải bất kỳ một ai khác, mới có thể mang lại giá trị cho bản thân.
[…]
Các em phải luôn nhớ rằng, tự lập ở một khía cạnh nào đó đồng nghĩa với tự do, nhưng tự do tuyệt đối không đồng nghĩa với sự tùy tiện, buông thả, không được lấy tự do làm cái cớ để lao vào cuộc sống buông thả. Sống tự do là sống theo cách bản thân ta muốn, nhưng vẫn phải làm những việc ta cần làm, kể cả những việc có thể ta không thích. Đó là tự do có kiểm soát, có giới hạn, có nguyên tắc”, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nói.
Cuối cùng, thầy Nghiệp mong rằng, ngay từ bây giờ, các bạn sinh viên cũng hãy chủ động xác định giá trị cá nhân của mình và theo đuổi chúng bằng cảm xúc và sự đam mê trong tư duy, bằng ý chí và sự linh hoạt trong hành động. Sẵn sàng vì người khác, nhưng không sống cuộc đời của người khác, không bắt chước người khác, cũng không sống dựa vào người khác. Hãy tự tin vào bản thân, lắng nghe và khám phá giá trị của bản thân để thành công hơn và, “Hãy sống như chính mình trong một thế giới đang luôn cố biến mình thành người khác” . (R.W. Emerson).