Vậy là một cuộc nhan sắc kết thúc và chúng ta có thêm một Hoa hậu. Với tệp khán giả riêng, có thể đây sẽ là thông tin không gây bất ngờ, thậm chí thú vị và có thể gây phấn khích. Nhưng với một người như tôi, 2 từ đầu tiên khi biết có Hoa hậu mới đăng quang chính là: “Nữa hả?”. Nó được bật phát một cách tự nhiên bởi lẽ bộ nhớ của tôi vẫn chưa kịp thu được hết thông tin về một Hoa hậu mới đăng quang một tháng trước đó.
Chưa bao giờ Hoa hậu lại xuất hiện dày đặc thế này. Tháng 7/2023, Miss World Vietnam gọi tên Ý Nhi và 2 Á hậu. Chỉ sau 1 tháng, 2 cuộc thi Hoa hậu khác diễn ra là Hoa hậu Đại dương Việt Nam và Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Hai cuộc thi này tìm ra 2 Hoa hậu và 8 Á hậu. Và cho đến mới đây, thêm một Hoa hậu xuất hiện, đó là Bùi Quỳnh Hoa – Miss Universe Vietnam, ngoài ra còn 2 Á hậu khác cũng đăng quang. Chỉ vỏn vẹn 3 tháng, làng sắc đẹp có 4 Hoa hậu và 12 Á hậu. Fan sắc đẹp từ đây đến cuối năm còn đón chờ cả Miss Earth Vietnam cũng như Hoa hậu Hoàn vũ nữa cho đội hình.
Tôi có hỏi bố mẹ thời đó Hoa hậu có ý nghĩa như thế nào, bố mẹ tôi nói quý lắm, nhà nào có người đi thi Hoa hậu thôi cũng đã “phổng mũi” với hàng xóm rồi, chứ đừng nói gì đến đạt giải. Đúng thôi, cái gì càng ít thì con người ta càng quý.
Trong 5 năm trở lại đây, cuộc thi Hoa hậu “mọc” lên ngày càng nhiều. Chưa nói đến chất lượng, chỉ nghe số lượng thôi cũng đã thấy choáng. Mỗi năm hàng chục cuộc thi diễn ra đồng nghĩa có thêm chục Hoa hậu, Á hậu. Và dạo gần đây các cuộc thi cứ dày thêm và khoảng cách càng rút ngắn khiến khán giả, những người đón nhận cảm thấy thực sự choáng ngợp. Là một người trẻ dễ tiếp thu nhưng bộ nhớ của tôi cũng gặp thử thách khi có quá nhiều cuộc thi và Hoa hậu để nhớ. “Đi đâu cũng gặp Hoa hậu” chính là câu nói nhiều người hay ví von về ngành “công nghiệp Hoa hậu” hiện nay ở Việt Nam.
Việc quá nhiều cuộc thi diễn ra một cách san sát nhau nhưng lượng thí sinh lại có hạn vô tình tạo nên tình huống gương mặt mới thì ít mà gương mặt cũ thi lại thì nhiều, và cuộc sau như là nơi tìm kiếm cơ hội cho người “bại trận” ở cuộc trước. Ví dụ như Hoàng Phương trở thành Hoa hậu Hòa bình Việt Nam sau 2 lần thất bại ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, hay Hương Ly trở thành Á hậu 1 Miss Universe Vietnam sau 3 lần không đạt kết quả cao ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam,… Mọi người nói Hương Ly và Hoàng Phương dùng cả thanh xuân để thi Hoa hậu, còn tôi thì tự thắc mắc: Hoa hậu để làm gì?
– Hoa hậu nhiều quá, thật sự không nhớ hết. Tôi cũng không biết nhiều Hoa hậu để làm gì.
– Cũng tùy mục đích của mỗi người thôi, nhưng chắc là danh tiếng.
– Hoa hậu là để lan tỏa điều nhân văn còn có lan tỏa không thì tôi không chắc.
– Cuộc thi Hoa hậu bây giờ như một lối đi tắt của các cô gái muốn vào showbiz thôi, nhiều cuộc thi quá nên danh hiệu không còn uy tín nữa.
Không riêng tôi mà một vài bạn trẻ cũng có suy nghĩ khá mịt mờ về vai trò của Hoa hậu trong thời buổi hiện nay. Với câu hỏi “Hoa hậu để làm gì?”, ta luôn tìm được mẫu số chung trong câu trả lời của các người đẹp đăng quang và BTC cuộc thi sắc đẹp, đó là “Hoa hậu sẽ tạo giá trị tích cực cho cộng đồng, lan tỏa nhiều thông điệp nhân văn đến mọi người, có trách nhiệm với xã hội”. Câu trả lời như nằm lòng này vốn dĩ không có gì đáng để phản bác, vì từ trước đến giờ nó là mục đích tối thượng khi tổ chức cuộc thi nhan sắc.
Tuy nhiên lời nói phải đi đôi với hành động, khi mà Hoa hậu tham gia dày đặc các sự kiện giải trí, chạy show liên tục, chăm lo cho cuộc thi quốc tế thì tại sao khi định nghĩa về Hoa hậu, ta lại phóng đại sứ mệnh, trách nhiệm với cộng đồng của họ một cách to tát như vậy? Trước khi nói đến những điều lớn lao, hãy thẳng thắn nhìn nhận vào tính thực tế của các bài phát biểu kia để thấy vì sao dư luận lại kém thiện cảm khi nhắc đến Hoa hậu như vậy.
Nhiều người cảm thấy mông lung, khó hiểu hỏi khi BTC hình tượng hóa đây là nơi tìm ra cô gái cho cộng đồng, cho xã hội khi mà đáp ứng tính thương mại vẫn là yếu tố then chốt. Vậy nên nói chính xác hơn, Hoa hậu chỉ là người chiến thắng trong một cuộc thi thố về nhan sắc có nhiều cô gái tham gia mà thôi. Người đăng quang sở hữu nhiều tiêu chí tương ứng với cuộc thi đó và có thể ra quốc tế thi đấu. Hoa hậu phải người là thiện chí, phù hợp với BTC, thực hiện các hoạt động thương mại, quảng bá cuộc thi, có cái nhìn tích cực từ công chúng. Còn về trách nhiệm với xã hội hay lan tỏa thông điệp tích cực, điều đó cần có quá trình ghi nhận.
Các cô gái sẽ đều các mục đích khác nhau khi tham gia cuộc thi nhan sắc. Tuy nhiên, điều đầu tiên mà họ có được sau đăng quang chính là sự nổi tiếng, được biết đến nhiều hơn.
Nhiều cuộc thi nhan sắc nở rộ liệu có phải là điều tốt? Đó chắc chắn không phải là vấn đề tiêu cực khi nó được tổ chức một cách bài bản, chất lượng thí sinh được đảm bảo, có những cam kết lâu dài. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay, các cuộc thi sắc đẹp liên tục được ra đời mỗi tháng, số lượng ngày một nhiều khiến khán giả cảm thấy ngộp thở.
Trong khi đó, không phải BTC nào cũng sẽ chỉn chu ở khâu tổ chức. Vẫn còn đó những tồn tại về quá trình sản xuất, không minh bạch về kết quả chung, tổ chức lấy lệ, đầu ra các người đẹp bắt đầu có sự đi xuống về chất lượng… Nếu thật sự nghiêm túc tạo ra sân chơi sắc đẹp thì sẽ không có chuyện công chúng phải “nhặt sạn” mỗi khi chung kết của cuộc thi nào đó khép lại.
Việc thí sinh nhảy từ cuộc này qua cuộc khác không chỉ là dấu hiệu chất lượng cuộc thi bị giảm sút, mà tiêu chí riêng biệt, bản sắc cũng bị mất đi. Nếu xem các cuộc thi nhan sắc là một gameshow thì đây chắc hẳn là một gameshow nhàm chán.
Với những cô gái “dành cả thanh xuân” thi nhan sắc, chắc chắn đó cũng chẳng phải là điều sai trái. Bởi lẽ nếu thật sự Hoa hậu nào cũng thành công lan tỏa những giá trị tích cực đến mọi người, cho xã hội thì chẳng phải là điều quá tuyệt vời hay sao. Nhưng hãy nhìn vào những ồn ào của các Hoa hậu sau khi đăng quang gần đây gặp phải, tất cả đang làm lu mờ đi những giá trị về Hoa hậu thường được BTC hay các người đẹp tuyên truyền đến mức khán giả thuộc lòng.
Việc liên tục tổ chức các cuộc thi nhưng thí sinh không có nhiều kỹ năng, BTC ít chú trọng vào việc đào tạo khiến những Hoa hậu đăng quang có nhiều lỗ hổng kiến thức, khiến dư luận bất bình. Đơn cử chính là trường hợp của Huỳnh Trần Ý Nhi – Miss World Vietnam 2023. Sau khi giành lấy chiếc vương miện danh giá, cô bận rộn với lịch trình media tour và sự ôm đồm đó khiến người đẹp để lộ những lỗ hổng trong kiến thức cũng như trong phát ngôn. Những đối đáp vụng dại, thiếu cơ bản không chỉ khiến Ý Nhi nhận “gạch đá” mà công chúng cũng đặt dấu chấm hỏi lớn về cách chọn Hoa hậu của BTC, BGK.
Hay gần nhất là Bùi Quỳnh Hoa, sau khi đăng quang Miss Universe Vietnam 2023, cô đối diện với làn sóng chỉ trích của fan sắc đẹp. Nhiều người cho rằng cách ứng xử như học thuộc nhưng vẫn vấp váp, đọc sai câu tục ngữ, thành ngữ nổi tiếng chính là điểm trừ của Quỳnh Hoa so với các thí sinh khác. Tuy vậy cô vẫn được BGK lựa chọn để đăng quang, điều này tạo nên không ít ý kiến tranh cãi, thậm chí là nhiều người nghi ngờ về kết quả không thực sự minh bạch. Cộng với đó, cách tổ chức đêm Chung kết Miss Universe Vietnam 2023 khiến fan sắc đẹp thất vọng vì lộ rõ nhiều “sạn” trên sóng trực tiếp, đưa thương hiệu Miss Universe Vietnam rơi xuống top dưới những cuộc thi nhan sắc trong nước.
Những cô gái trẻ măng thiếu kinh nghiệm này liệu có hiểu gì về truyền cảm hứng? Liệu những nhà sản xuất có tâm huyết để cung cấp cho họ đủ hành trang để đương đầu với một thế giới đầy biến động ngoài kia? Mong rằng các đơn vị nắm giữ bản quyền thực sự là những đơn vị cầu thị, thiện chí, là nơi không chỉ biết nói những điều lớn lao, mà còn đầy sự khiêm tốn, tiếp thu để tạo ra các giá trị thực sự cao quý cho xã hội.