Tranh cãi chuyện “săn Tây” học tiếng Anh: Quan điểm từ ông …

11 mins read
Tranh cãi chuyện “săn Tây” học tiếng Anh: Quan điểm từ ông …

Tranh cãi chuyện “săn Tây” học tiếng Anh: Quan điểm từ ông bố vượt 150km mỗi tuần cùng con gặp khách nước ngoài

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 20:35 29/09/2023

Từ kinh nghiệm đồng hành cùng con, ông bố này nhận định, “săn Tây” là cách sáng tạo và hiệu quả để học sinh, sinh viên chủ động với việc học tiếng Anh.

  • Quan điểm gây tranh cãi của CEO Huawei: “Nếu không học Tiếng Anh, trẻ em nông thôn sẽ mãi là nông dân”
  • Tranh cãi quan điểm “săn Tây” để luyện tiếng Anh là làm phiền người nước ngoài, nên dừng lại thì hơn!
  • Lên phố săn Tây để học Tiếng Anh nhưng nhiều bạn bị nhận xét bất lịch sự vì hỏi những câu này

“‘Săn Tây’ học tiếng Anh ngày nay không còn phù hợp khi các bạn trẻ như đám thợ săn sẽ làm phiền khách du lịch”; “Nội dung giao tiếp giới hạn nên không hiệu quả”; “Khách Tây không phải ai cũng có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ”… Những ngày gần đây, quan điểm “dừng săn Tây học tiếng Anh” được đem ra mổ xẻ trên nhiều diễn đàn với hàng ngàn ý kiến trái chiều. Bên đồng tình, bên phản đối đều có những lý lẽ của riêng mình.

Là một người từng nhiều năm cho con “săn Tây”, anh Hà Khánh Tùng (Hà Nội) cho rằng, bản thân anh vừa đồng tình, vừa có quan điểm khác về vấn đề này. Từ lúc 8 tuổi, con gái anh Tùng mỗi tuần đều cùng bố vượt 150km từ một tỉnh miền núi phía Bắc xuống Hà Nội để “gặp Tây”.

Anh cũng đưa con đến chợ quê, các làng du lịch cộng đồng để gặp khách nước ngoài. Ban đầu, con còn ngại, cần bố hỗ trợ, nhưng sau đó đã chủ động bắt chuyện du khách. Lên tuổi 11, con đã tự tin, tiếng Anh ổn và giành học bổng toàn phần tại một trường tư ở Hà Nội.

Từ kinh nghiệm đồng hành cùng con, ông bố này nhận định, “săn Tây” là cách sáng tạo và hiệu quả để học sinh, sinh viên chủ động với việc học tiếng Anh. Nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều cách để học kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, có thể phù hợp với một số người này và không phù hợp với một số người kia.

Tranh cãi chuyện săn Tây học tiếng Anh: Quan điểm từ ông bố vượt 150km mỗi tuần cùng con gặp khách nước ngoài - Ảnh 1.

Con gái anh Tùng chụp với khách du lịch nước ngoài

Phải tuân thủ những quy tắc lịch sự tối thiểu

Theo anh Tùng, việc tranh cãi dừng “săn Tây” vì gây phiền phức cho khách du lịch không hẳn là sai. Con gái anh trong quá trình tìm người nước ngoài để trò chuyện cũng đã gặp không ít khách tỏ ra khó chịu. Trong trường hợp này, theo anh, nên nói xin lỗi vì đã làm phiền và chúc họ có 1 chuyến du lịch vui vẻ. Còn đa số khách du lịch rất thân thiện và sẵn sàng nói chuyện. Tuy nhiên, nếu đã muốn trò chuyện với người nước ngoài thì phải tuân thủ những quy tắc lịch sự tối thiểu.

“Ngày trước, lúc tôi đưa con ra nói chuyện với người nước ngoài thì vẫn còn ít trẻ con ‘săn Tây’. Nhưng giờ ra Hồ Gươm kín mít các bố mẹ đưa con đến. Nhiều người ‘bắt Tây’ bất chấp, không quan sát, còn tự ý quay chụp mà không xin phép. Điều này khá phản cảm”, anh Tùng nói.

Đồng thời, cần tìm hiểu trước những khía cạnh nhạy cảm văn hóa, để tránh những câu hỏi quá riêng tư về nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, chiều cao, cân nặng, tuổi tác, ngoại hình. Không ai muốn bị hỏi những câu về đời tư, nên đối với người nước ngoài cũng vậy.

Về quan điểm nội dung giao tiếp với khách nước ngoài giới hạn, anh Tùng cho rằng, điều này chỉ đúng đối với các bạn giao tiếp chưa tốt. Khi đó, câu chuyện sẽ ít chủ đề, xoay quanh xã giao cơ bản. Nhưng rất nhiều bạn nhỏ hiểu tâm lý khách du lịch, họ cần thông tin về ẩm thực, văn hóa, địa điểm đẹp để khám phá, nên câu chuyện sẽ cởi mở hơn và cuộc nói chuyện sẽ vui vẻ hơn vì cả 2 bên đều đạt được điều mình muốn. Khách du lịch biết thêm thông tin về những gì họ muốn, những em học sinh có cơ hội được trò chuyện lâu hơn.

“Tất nhiên là ai cũng sẽ có chút đề phòng khi có người lạ đến bắt chuyện ở một đất nước xa lạ. Để khách du lịch không cảm thấy bị làm phiền thì trước tiên cần quan sát. Với những khách đang có việc riêng thì không nên làm phiền, với những người đang ngồi chơi hoặc rảnh rỗi thì mình có thể đến bắt chuyện một cách lịch sự với tâm trạng vui vẻ.

Qua câu chuyện, có thể nắm bắt được họ đang muốn tìm hiểu gì về Việt Nam thì mình sẽ xoay quanh câu chuyện ấy, thêm cho họ một số gợi ý về các món ăn, các địa điểm mà khách du lịch hay lui tới”, anh Tùng gợi ý.

Khách Tây không phải ai cũng có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, theo anh Tùng, điều này là hoàn toàn đúng. Nhưng chính điều này cũng là 1 lợi thế khi con tiếp xúc đa dạng được nhiều accent (ngữ điệu), nâng cao phản xạ Nghe – Nói, không bị phụ thuộc quá nhiều vào giọng bản xứ.

“Săn Tây” không phải là cách duy nhất để nâng cao khả năng tiếng Anh

Với ý kiến cho rằng, thay vì “săn Tây”, hãy dành thời gian lên internet để thực hành tiếng Anh thông qua các hình thức đa dạng như đọc báo, xem phim tài liệu, các nội dung giảng dạy bằng tiếng Anh, anh Tùng nhận định:

“Quan điểm của tôi là kết hợp giữa nhiều phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Để cuộc nói chuyện nhiều chủ đề hơn, cuốn hút hơn thì các bạn nhỏ nên tự học ở nhà thông qua các kênh trên Internet, thêm kiến thức cho những buổi nói chuyện thực tế. Học mà có thực hành thì bao giờ cũng tốt hơn”.

“Săn Tây” chỉ là một trong rất nhiều cách để học tiếng Anh. Con anh Tùng học trên trường, tự học ở nhà qua Internet. Hoặc thay vì ra ra Bờ Hồ “săn Tây” thì các bạn lên các trang web luyện nói tiếng Anh với người nước ngoài miễn phí.

Tranh cãi chuyện săn Tây học tiếng Anh: Quan điểm từ ông bố vượt 150km mỗi tuần cùng con gặp khách nước ngoài - Ảnh 2.

Có nhiều cách để luyện tập tiếng Anh ngoài việc “săn Tây”. Ảnh minh họa

Hiện có nhiều trang web mang đến các công cụ cho phép bạn tìm kiếm và kết bạn với những người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Họ cũng đang có nhu cầu học tiếng Việt, hai bên cùng có lợi. Ở đây bạn có thể luyện tập không chỉ kỹ năng nói và còn phát triển các khả năng viết và đọc. Hoặc bạn cũng có thể tìm đến các chương trình dạy tiếng trực tuyến với giáo viên nước ngoài.

Bất cứ một ai cũng có thể học tốt tiếng Anh nếu biết áp dụng đúng phương pháp và có sự kiên trì. Học ngôn ngữ không cần thông minh, chỉ cần khả năng mô phỏng và bắt chước âm. Nghe nhiều thì nói được và đọc nhiều thì viết được.

Cũng như cách học tiếng Anh, hiện sau 1 năm học tiếng Đức, con gái anh đã có thể giao tiếp khá ổn với những người bạn đến từ các nước nói tiếng Đức. Hiện con anh Tùng đang bán hàng bán thời gian tại một cửa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam trên phố Đinh Liệt. Ngày tiếp cả trăm khách Tây nên cơ hội trao đổi ngoại ngữ của con rất nhiều.

  • săn tây
  • “săn Tây” có nên dừng lại
  • ngại gì ngoại ngữ
  • tranh cãi

Latest from Blog