Nói lắp thường do căng thẳng tâm lý gây nên.
1.Thế nào là nói lắp?
Nói lắp là một tật do rối loạn ngôn ngữ, trong đó có sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi, lặp lại.
Nói lắp thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải. Ngoài việc khó thốt ra lời khi căng thẳng, phải gắng sức để nói khi căng thẳng, bối rối, lo lắng… khi nói, những người nói lắp có tinh thần gấp gáp, có khi lắc đầu, hoa chân, múa tay, trừng mắt, méo miệng, môi run, nói một câu phải tốn rất nhiều sức.
Vì nói năng khó khăn nên người mắc tật nói lắp thường e ngại và càng nói lắp hơn khi đến chỗ đông người. Đặc biệt, khi bị người khác cười đùa, họ càng tỏ ra căng thẳng, nói không ra lời.
2. Nguyên nhân gây nói lắp
Nói lắp có thể xảy ra bất kỳ lứa tuổi nào và thể hiện qua các nhóm nguyên nhân cơ bản sau:
Đối với trẻ:
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định một cách chắc chắn về nguyên nhân dẫn đến tật nói lắp ở trẻ. Qua các nghiên cứu, các yếu tố được coi là có ảnh hưởng tới tật nói lắp ở trẻ như:
- Tiếp xúc với nhiều người mắc tật nói lắp: Đa số các chuyên gia cho rằng nói lắp có tính di truyền. Người ta đã nhận thấy rằng tỉ lệ trẻ nói lắp trong một gia đình có bố mẹ hoặc người thân cũng bị tật này cao hơn nhiều so với những gia đình không có ai bị. Trẻ có thể bắt chước người khác nói lắp hoặc thường xuyên tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải ngôn ngữ không tốt và dần trở nên nói lắp.
- Quá trình phát triển của trẻ: Từ 18 tháng đến 5 tuổi, trẻ bắt đầu nói lắp do đây là giai đoạn phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ ở trẻ em. Vì còn nhỏ nên trẻ chưa tìm được từ ngữ thích hợp để biểu thị ý kiến của mình với người khác. Hãy tưởng tượng như bạn đang ăn bị mắc nghẹn, bạn phải dừng lại một lúc thì mới có thể ăn uống và nói chuyện tiếp được. Trẻ nói lắp cũng giống như vậy. Thế nên giai đoạn này được coi là bình thường và không đáng lo ngại.
- Suy giảm chức năng vùng ngôn ngữ: Não của con người có một vùng “chịu trách nhiệm” về ngôn ngữ. Vùng này có liên hệ trực tiếp tới khả năng phát âm của con người nói chung và những người nói lắp nói riêng. Một nghiên cứu cho kết quả rằng, lưu lượng máu giảm khi đổ vào vùng ngôn ngữ chính là nguyên nhân gây ra tật nói lắp. Lượng máu này giảm càng nhiều thì sự giảm chức năng thần kinh tại vùng này càng lớn và đó là nguyên nhân của tật nói lắp.
- Do mắc bệnh: Nhiều nghi vấn cho rằng khi thai nghén, thai phụ mắc một căn bệnh ảnh hưởng cho thai nhi và bệnh đó đã gây tổn thương cho vùng ngôn ngữ của não thai nhi. Trường hợp trẻ nhỏ mắc phải một bệnh ở não hoặc màng não (như viêm não, viêm màng não), sau khi điều trị khỏi đã để lại di chứng ở vùng ngôn ngữ. Sau khi bị các bệnh truyền nhiễm như cảm, ho gà…, chức năng vỏ đại não bị giảm yếu, tinh thần dễ bị kích thích dẫn đến căng thẳng quá mức, gây nói lắp ở trẻ nhỏ.
- Bị sang chấn tâm lý: Các nhà khoa học lại có ý kiến cho rằng do khủng hoảng tình cảm, một cú sốc tâm lý hoặc chuyện nào đó thời thơ ấu xảy ra có khả năng làm cho trẻ mắc tật nói lắp. Những ảnh hưởng về tâm lý này về sau có thể khiến trẻ hình thành tật nói lắp.
Đối với người lớn mắc chứng nói lắp:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói lắp ở người lớn như: Căng thẳng, do nói lắp từ thời thơ ấu tái phát, nói lắp vô căn…
- Nói lắp do thần kinh: Đây là dạng phổ biến nhất xảy ra ở người lớn. Điều này có thể xảy ra sau đột quỵ, chấn thương não, u não, viêm não, viêm màng não… Sau chấn thương, chứng rối loạn ngôn ngữ xuất hiện trong vài giờ hoặc kéo dài hơn.
- Nói lắp khi căng thẳng: Căng thẳng do các vấn đề về xã hội, gia đình… có thể gây ra chứng rối loạn ngôn ngữ. Hầu hết các trường hợp xảy ra do nguyên nhân này sẽ có xu hướng giảm và tự khỏi khi hết vấn đề căng thẳng.
- Nói lắp từ thời thơ ấu tái phát: Trẻ đã từng bị nói lắp, sau khi lớn lên, trong cuộc sống có thể mắc bệnh nói lắp khởi phát bất ngờ. Thông thường, người có tiền sử nói lắp thường né tránh những vấn đề mang đến rắc rối cho họ. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tình trạng này có thể xuất hiện trở lại.
- Nói lắp vô căn: Nói lắp loại này không xác định được nguyên nhân và thường được chẩn đoán bằng cách loại trừ tất cả các nguyên nhân kể trên.
3. Triệu chứng nói lắp
Nói lắp biểu hiện qua một số triệu chứng dưới đây:
- Luôn lặp lại một số âm thanh, từ, câu.
- Kéo dài âm thanh của âm, từ hơn so với bình thường.
- Khó bắt đầu nói các âm, từ đầu khi giao tiếp.
- Nói ngắt quãng, dừng lại khi nói một câu, một từ.
- Cứng cơ miệng, hàm, mặt, phần trên cơ thể khi phát âm.
- Căng thẳng, lo lắng khi nói chuyện với người khác.
- Tránh giao tiếp bằng ngôn ngữ nói.
Các triệu chứng này có thể giảm, mất hoàn toàn khi người mắc nói lắp nói chuyện một mình hoặc khi hát, đọc đồng thanh cùng một nhóm. Mặt khác, có thể tiến triển với tần suất dày đặc, thể hiện rõ rệt khi đối mặt với áp lực, căng thẳng, hoặc khi nói chuyện với người lạ.
4. Biện pháp phòng ngừa chứng nói lắp
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, việc nuôi dưỡng trẻ trong môi trường nhiều tiếng cười, yêu thương, hạnh phúc và được giao tiếp lắng nghe mỗi ngày. Đây là yếu tố kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ, hạn chế việc bị nói lắp.
Bảo vệ trẻ an toàn, phòng tránh các nguy cơ gây chấn thương, tổn thương não bộ của trẻ.
Cha mẹ có thể đưa trẻ đến những nơi đông vui, có nhiều hoạt động, âm nhạc, giao tiếp để trẻ tiếp thu ngôn ngữ một cách đa dạng và dễ dàng. Môi trường tác động tới 70% khả năng tự học hỏi của trẻ.
Người lớn bị nói lắp bẩm sinh cần chủ động tự rèn luyện, tập luyện cách nói của riêng mình để hạn chế các khuyết điểm khi giao tiếp. Bởi nói lắp sẽ khó mà chữa khỏi hoàn toàn.
Người gặp vấn đề sang chấn tâm lý hay cú sốc tâm lý gây trở ngại mỗi khi gặp tình huống tương tự dẫn tới nói lắp thì nên tới gặp bác sĩ tâm lý để tháo gỡ cho chính mình. Chỉ cần bước qua rào cản tâm lý ấy là chứng nói lắp sẽ tự động được chữa lành.
5. Cách khắc phục chứng nói lắp cho người lớn và trẻ em
Sau khi đã được chẩn đoán chính xác mức độ nói lắp, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. Việc điều trị có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào từng cá nhân cũng như sự hợp tác của người mắc trong việc luyện tập.
- Sử dụng liệu pháp ngôn ngữ: Chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn người mắc cách nói chậm lại và để ý đến từng từ ngữ, đặc biệt là các từ hay bị lặp. Người nói lắp cần hợp tác tuân thủ quy trình luyện tập và cường độ và tốc độ nói sẽ tăng dần.
- Sử dụng kết hợp các thiết bị điện tử hỗ trợ người mắc giảm tốc độ nói lại và điều chỉnh các lỗi phát âm trúng đích.
- Sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi giúp người nói lắp nhận dạng và thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực khi nói lắp nhằm giảm nhẹ áp lực, lo âu quá mức và lấy lại sự tự tin.
- Tăng cường tương tác giữa cha mẹ và con cái là chìa khóa quan trọng giúp trẻ đối mặt với việc nói lắp một cách thoải mái. Từ đó bé dễ dàng thay đổi cách thức phát ngôn và giao tiếp.
- Người lớn bị nói lắp có thể tự điều trị bằng cách tập thư giãn trước khi nói, tập hít sâu nhịp nhàng, luyện kéo dài hơi khi nói chuyện.
- Động viên trẻ nhỏ tích cực tham gia các hoạt động nhằm luyện tập ngôn ngữ, bổ sung vốn từ, học cách nói chậm rãi rõ ràng. Đặc biệt khi điều trị cho trẻ em, bố mẹ phải thật kiên trì.
- Học nói bắt đầu từ các câu ngắn 2-3 từ, ngắt nghỉ rõ ràng rồi tăng dần số từ lên, luyện nói câu 5-6 từ tới khi trôi chảy.
- Cần kết hợp liệu pháp tư vấn tâm lý trong một số trường hợp bệnh nhân bị nói lắp sau khi gặp cú sốc mạnh nào đó.
Ngày nay, ngôn ngữ là cầu nối cho mọi mối quan hệ, kết giao vào phát triển xã hội. Nếu một người đang mắc phải tật nói lắp thì cũng đừng lo lắng bởi nếu biết cách khắc phục và luyện tập kiên trì thì khả năng giao tiếp sẽ được cải thiện đáng kể.
BS. Đào Anh Khôi